Theo quy định tại Điều 26 Quy chế thi và phụ lục kèm theo Công văn 991, thì việc chấm thi trắc nghiệm do Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm thực hiện. Các phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng máy trên phần mềm chuyên dụng của Bộ GD&ĐT; các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy và phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì.
Đại diện VKS tại phiên toà sáng nay |
Sau khi quét, dữ liệu file ảnh bài làm của thí sinh, kết quả chấm thi được lưu vào 2 đĩa CD giống nhau (1 đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, 1 đĩa gửi chuyển phát nhanh về bộ GD&ĐT).
Đầu tháng 5/2018 (trước kỳ thi THPT quốc gia khoảng một tháng – PV), ngay tại phòng làm việc của mình, Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí) bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) nâng điểm thi trắc nghiệm cho một số thí sinh.
Đỗ Mạnh Tuấn đồng ý, đồng thời nói cho Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) biết. Hai bên thống nhất ông Vinh sẽ cung cấp danh sách thông tin thí sinh cần nâng điểm và chìa khóa phòng cất giữ bài thi cho Đỗ Mạnh Tuấn.
Về phần mình, ông Tuấn chuẩn bị đáp án của Bộ GD&ĐT, bút chì, tẩy, dao rọc giấy… mang vào địa điểm tổ chức chấm thi.
Theo nguyện vọng của các thí sinh trong danh sách nâng điểm, tốt nghiệp THPT thì tổng bốn môn là 20 điểm, đỗ đại học thì tổng ba môn từ 23-25 điểm, riêng xét vào trường công an, quân đội thì tổng ba môn từ 26-27 điểm…
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh tại phiên xét xử. |
Vào buổi tối các ngày từ 30/6 đến 3/7/2018, Đỗ Mạnh Tuấn cùng Nguyễn Khắc Tuấn bóc niêm phong cửa phòng, sử dụng chìa khóa do ông Vinh cung cấp để mở khóa, thực hiện việc nâng điểm.
Quy trình gian lận tiến hành như sau, hai bị cáo dùng dao rạch theo mép gấp niêm phong túi đựng bài thi. Bị cáo lấy bài thi của thí sinh cần nâng điểm đối chiếu với đáp án của Bộ GD&ĐT, tẩy đáp án sai và dùng bút chì tô lại đáp án đúng, hoặc tẩy tất cả đáp án của thí sinh rồi tô lại đáp án đúng (theo số điểm yêu cầu).
Làm xong, các bị cáo cất bài thi vào túi đựng, dập ghim hoặc phết hồ dán lên niêm phong để tránh bị phát hiện. Thậm chí, khi thấy một số bài thi đã được sửa chữa nhưng chưa “như ý”, Đỗ Mạnh Tuấn còn tiếp tục lần 2, dùng máy tính quét lại bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày giờ trên máy tính và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD&ĐT.
Kết quả, 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được nâng điểm. Trong đó, thí sinh được “ưu ái” nhất lên tới 26,45 điểm, tức là khi thi gần như không cần làm bài.
Với môn thi tự luận, Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện việc “sinh mã phách” trái quy định, thay vì lấy ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý.
Bằng thủ đoạn này, Tuấn lấy được mã phách của các thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn, chuyển cho Ban làm phách và các bị cáo trong tổ chấm bài thi tự luận để can thiệp vào bài thi. Kết quả, 20 bài thi môn Ngữ văn được chấm nâng từ 1,25 đến 4,5 điểm.
Theo kết quả giám định trưng cầu của viện Khoa học hình sự Bộ Công an về các bài thi trắc nghiệm của thí sinh kết luận: Có 145 bài thi của 58 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án; các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng 1 người tô ra.
Căn cứ kết quả giám định, Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định số bài thi này, kết quả xác định 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp nâng điểm, số điểm nâng từ 0,2 điểm đến 9,25 điểm/môn thi./.
Theo Bảo vệ pháp luật