Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Thông tin mới nhất về virus corona ở Trung Quốc: Bao giờ có vắc xin phòng chống?

CLVN 09:36 27/01/2020

Việc chế tạo vắcxin ngừa virus corona sẽ mất rất nhiều thời gian

Theo thống kê từ chính quyền Bắc Kinh, virus corona gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc đã nhiễm cho 571 trường hợp bệnh nhân. Trong đó, số người chết đã tăng gần gấp đôi, từ 9 người ngày 22/1 lên 17 người ngày 23/1 và có tin virus đã xâm nhập vào Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn về giải pháp chặn loại dịch nói trên thì Trung tâm hoạch định chiến lược của Bộ y tế Nga đưa ra một tuyên bố vô cùng nóng hổi rằng sẽ phải mất 6 tháng và nhiều tiền để phát triển vắcxin ngừa chủng mới của virus corona. Trung tâm này cũng khẳng định, đó là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành y tế Nga, bởi vì diễn biến tiếp theo của virus corona rất khó lường.

Ông Sergej Kraevoj, Thứ trưởng Bộ y tế Nga cho biết đang kết nối với các đồng nghiệp ở Trung Quốc để có được sự hỗ trợ từ họ về khía cạnh vật liệu sinh học. Vị quan chức này tin rằng sự phát triển của một loại thuốc sẽ mất tới 3 tháng. Tuy nhiên, toàn bộ chu trình tạo ra vắcxin, bao gồm tất cả các nghiên cứu, có thể mất ít nhất 6 tháng.

Việc chế tạo vắcxin ngừa virus corona sẽ mất rất nhiều thời gian. Ảnh minh họa

Mặc dù ông Sergej Kraevoj tự tin nói về khả năng tạo ra vắcxin ngừa virus corona trong khoảng 3-6 tháng, tuy nhiên, một số chuyên gia dịch tễ khác trên thế giới lại cho rằng, quá trình này thậm chí có thể kéo dài từ 1-3 năm bởi kinh nghiệm chế tạo vắcxin chống lại các dịch Ebola, Zika và SARS đã cho họ thấy việc này vô cùng khó khăn.

Bao giờ có vắc xin ngăn chặn virus corona gây bệnh viêm phổi nguy hiểm

Theo dự báo của Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIH's National Institute of Allergy and Infectious Diseases), tiến sĩ Anthony Fauci, phiên bản đầu tiên của vắcxin có thể sẽ xuất hiện trong vòng vài tháng và các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tiên sẽ diễn ra trước đầu mùa hè.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, vắcxin cho các bệnh nguy hiểm được tạo ra khá chậm. Ví dụ, vắcxin Ebola đầu tiên chỉ mới được phê duyệt gần đây, sau 20 năm nghiên cứu và 4 năm thử nghiệm lâm sàng. Vi rút Zika, bắt đầu lan truyền nhanh chóng trên toàn thế giới vào năm 2015, mà đến nay vẫn chưa có vắcxin phòng ngừa và thuốc vẫn chỉ đang được thử nghiệm.

Các chuyên gia lưu ý rằng, với tất cả những khó khăn, khung thời gian thực tế hơn để tạo và bắt đầu sử dụng vắcxin chống lại vi rút 2019-nCoV Trung Quốc là 1-3 năm.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện cả nước có 35 trường hợp thuộc diện nghi nhiễm nCoV, đang tiếp tục được cách ly, theo dõi và tiến hành xét nghiệm.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cả 6 trường hợp nghi ngờ đầu tiên ở miền Bắc đều âm tính với virus nCoV. Đến sáng 26/1, tiếp tục có 2 bệnh nhân được loại trừ. Các cơ sở y tế ở miền Bắc đang cách ly, điều trị 23 trường hợp thuộc diện nghi ngờ và đang được xét nghiệm.

Ở miền Nam, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho hay, tại Phú Quốc đang cách ly, theo dõi 2 người Trung Quốc đến từ Hồ Bắc, có biểu hiện sốt, ho. Tại miền Trung, có 24 trường hợp nghi nhiễm nCoV được lấy mẫu, đã loại trừ 14 người, còn 10 trường hợp đang cần thêm các xét nghiệm. Những người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm nCoV đều được ngành y tế địa phương tư vấn, theo dõi chặt chẽ, bảo đảm không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ.

Còn về hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm nCoV tại TP. HCM thì người con đang tốt dần và có thể xuất viện, còn người bố vẫn đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ.

Bạn đang đọc bài viết Thông tin mới nhất về virus corona ở Trung Quốc: Bao giờ có vắc xin phòng chống? tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua
Theo hãng tin Reuters, ngày 25-1, đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì virus Corona mới (2019-nCoV). Đây là mức báo động cao nhất của đặc khu này.