Ngày 17-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp.
Được biết, báo cáo là một trong những sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường tiếng nói, thúc đẩy vai trò chủ động của cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng đến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp. Ảnh:NT |
Khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, Nghị quyết 02 năm 2019 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 có những mục tiêu rất cụ thể. Nổi bật là mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp và bước chân vào “bán kết ASEAN” trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh.
Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018. Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng.
Báo cáo "Tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - góc nhìn từ DN" cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các DN đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, tín dụng, đăng ký thành lập DN và tiếp cận điện năng...
Theo Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Nghị quyết 35 định hướng khu vực DN tư nhân phải đóng góp 48% GDP vào năm 2020 và đã coi khu vực này là động lực phát triển của nền kinh tế. Các bộ, ban, ngành đã nỗ lực cải cách, “cởi trói” và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho DN.
Hội thảo công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp. Ảnh:NT |
Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả các cuộc điều tra DN hàng năm của VCCI trên các lĩnh vực thuế, hải quan và môi trường kinh doanh nói chung. Mỗi năm có hơn 10.000 DN đến từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước tham gia trả lời phiếu khảo sát.
“Điển hình, với lĩnh vực thuế, các thủ tục hành chính đã có sự cải thiện rõ rệt. Trong đó, DN cho hay, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, còn thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế vẫn khó thực hiện hơn. Tỷ lệ DN khai thuế điện tử lên đến 98,4% - một con số ấn tượng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính trong thời gian qua” - ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện VCCI, tỷ lệ DN đánh giá có cải thiện về cải cách thủ tục hành chính năm 2019 cao hơn rõ rệt. DN cho rằng, tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự tiến bộ, điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% (năm 2018) lên mức 57,5% của năm 2019
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, kết quả này vẫn chỉ ở mức thường thường bậc trung. Còn nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất, chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55).
Nếu chừng nào, vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể nào thoát bẫy thu nhập trung bình được. Nhưng nếu muốn vào Top 4 ASEAN thì phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng nhắc đến hành trình gian gian đó, Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, tham vọng của Chính phủ rất lớn, người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột nhưng kết quả có lẽ chưa đạt kỳ vọng của Thủ tướng, khi mà chưa đạt mục tiêu Top 4 của ASEAN.
Kết thúc phần phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI khái quát, lâu nay thường nghe nói đến nhiều cơ hội vàng, như biển bạc rừng vàng, dân số vàng nhưng những cơ hội vàng này chỉ có thể được khơi dậy bằng thể chế kim cương. Một thể chế phải trong sạch, minh bạch, ổn định, toả sáng, có khả năng hội tụ vững chắc như kim cương" - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thì mới khơi dậy được cơ hội đó, đó cũng là tinh thần của nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ.