Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

'Căng đét' với Nga, Mỹ quyết rút khỏi hiệp ước cứu vãn chiến tranh bất chấp Covid-19

TDVN 16:48 06/04/2020

Chính quyền Trump đang quyết tâm rút khỏi hiệp ước đã 28 tuổi - vốn được xây dựng nhằm giảm nguy cơ chiến tranh giữa phương Tây và Nga bằng cách cho phép hai bên tiến hành các chuyến bay do thám

Bất chấp đại dịch virus corona, điều đã làm trì hoãn cuộc họp đầy đủ thành phần của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) về Hiệp ước Bầu trời mở (OST), thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhất trí tiến hành quy trình để Mỹ rời khỏi hiệp ước này, báo The Guardian của Anh dẫn theo hai nguồn thạo tin.

Phe cứng rắn quyết rời khỏi OST

Một tuyên bố về ý định này sẽ sớm được đưa ra, và một thông báo chính thức về việc Washington rút khỏi OST sẽ được ban hành vài tháng sau đó, có thể là vào cuối năm tài chính, tầm tháng Chín. Hoa Kỳ sẽ ngừng tham gia hiệp ước sáu tháng sau đó, vì vậy nếu một tổng thống mới được bầu vào tháng 11 năm nay, quyết định này có thể được đảo ngược trước khi có hiệu lực.

Vì đại dịch Covid-19, các chuyến bay trinh sát theo hiệp ước OST đã bị đình chỉ cho đến ngày 26/4.

Hoa Kỳ đã phàn nàn về điều họ nói là sự vi phạm hiệp ước của Nga. Hiệp ước OST được ký kết vào năm 1992, có hiệu lực từ năm 2002 và dù để cho các nước tham gia tiến hành các chuyến bay do thám tới lãnh thổ của nhau thì cũng đưa ra những hạn chế đối với các chuyến bay qua khu vực biển Baltic gần Kaliningrad và nêu ra một hành lang loại trừ dọc theo biên giới các khu vực ở Nam Ossetia và Abkhazia mà Nga có ảnh hưởng.

Máy bay Antonov An-30 của Nga. Ảnh minh hoạ: Wikipedia / Konstantin Nikiforov.

Một trong những lý do ông Esper viện dẫn cho việc Mỹ rút khỏi OST để là tiết kiệm tiền bằng cách không phải thay thế hai máy bay Boeing OC-135B mà Mỹ sử dụng cho các chuyến bay do thám theo hiệp ước Bầu trời mở.

Quốc hội đã dành 41,5 triệu USD vào năm ngoái cho chi phí thay thế máy bay này nhưng yêu cầu chi tiêu của Lầu Năm Góc được công bố vào tháng Hai năm nay không có ngân sách mua các máy bay mới phục vụ hoạt động cho OST. Ông Esper nói với Quốc hội rằng ông đang chờ quyết định từ tổng thống.

Ba thành viên cứng rắn (có lập trường diều hâu) của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Richard Burr, Tom Cotton và Ted Cruz, đã gửi thư cho chính quyền Mỹ vào tháng Ba kêu gọi rút khỏi OST vì lý do chi phí và an ninh.

"Các chi phí của OST không chỉ là lãng phí mà còn trực tiếp làm xói mòn an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách cho phép gián điệp của Nga đi vào Hoa Kỳ", các thượng nghị sĩ này viết.

Mỹ được lợi hơn Nga trong ván cờ Bầu trời Mở

Còn những người ủng hộ Hiệp ước Bầu trời mở cho biết Mỹ và các đồng minh được hưởng lợi từ nó nhiều hơn Nga, với số lần máy bay của họ vào lãnh thổ Nga nhiều gấp 3 lần so với các chuyến bay của Nga qua lãnh thổ Mỹ và đồng minh. Hơn nữa, việc Mỹ rút lui cũng sẽ không ngăn được các chuyến bay do thám của Nga bay qua các căn cứ của Mỹ ở châu Âu.

"Chính quyền vẫn chưa đưa ra bất kỳ đề xuất nào về cách khắc phục hai vấn đề chính mà chúng ta gặp phải với hiệp ước này và các đồng minh của chúng ta đã nhắc lại nhiều lần, rằng họ không muốn chúng ta rời bỏ hiệp ước", ông Alexandra Bell, cựu quan chức kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là giám đốc chính sách cao cấp tại Trung tâm kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, nhận định "Chính quyền dường như không có kế hoạch sẽ giải quyết ra sao với các căn cứ của Mỹ ở châu Âu".

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez và Jack Reed đã viết thư cho chính quyền vào tháng 2, nói rằng: Hiệp ước Bầu trời mở là một thỏa thuận đa phương quan trọng, đóng vai trò là một công cụ minh bạch và quan trọng đối với Hoa Kỳ cũng như các đối tác đồng minh của chúng ta. Hiệp ước này cung cấp cho Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta những hình ảnh toàn diện, thời gian thực về các cơ sở quân sự của Nga. Nếu chính quyền thúc đẩy việc rút lui khỏi hiệp ước này đơn phương nhanh chóng thì Hoa Kỳ sẽ kém an ninh và an toàn hơn".

Năm ngoái, Mỹ đã đặt ra các câu hỏi cho các đồng minh về quan điểm của họ đối với giá trị của Hiệp ước này. Vương quốc Anh và các đối tác châu Âu khác đã đưa ra thông điệp phản đối mạnh mẽ và thúc đẩy để Hoa Kỳ vẫn là một phần của thỏa thuận này. Ukraine cũng công khai nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược mà nước này gắn liền với hiệp ước OST. Nhưng chính quyền Washington cho đến nay không chia sẻ kết quả trả lời câu hỏi trên với Quốc hội.

NSC dự định sẽ tiến hành một cuộc họp các nhân vật chủ chốt, gồm những người đứng đầu chính quyền để thảo luận về hai lựa chọn: thông báo rút ngay lập tức hoặc có một vài tháng tham khảo ý kiến các đồng minh và trì hoãn quyết định cuối cùng - như một tín hiệu cảnh báo cuối cùng đối với Nga.

Cuộc họp này đã bị hoãn lại cho đến ngày 11/3 và sau đó hoãn tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nghiêm trọng. Nhưng việc thiếu vắng một cuộc thảo luận của NSC dường như không ngăn được đà rút lui OST của Hoa Kỳ.

Hiệp ước Bầu trời mở là thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nhất được chính quyền Trump nhắm tới rút lui. Washington trước đó đã ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội kiểm soát vũ khí, cho biết: Vào thời điểm đang cần sự hợp tác quốc tế, không thể rõ ràng hơn đối với việc giải quyết đại dịch virus corona, thì một sai lầm chính sách đối ngoại của chính quyền Trump sẽ là rút khỏi một hiệp ước đã có hiệu lực trong gần 30 năm – điều cũng chống lại mong muốn của các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu".

Theo Tổ quốc

Link gốc : http://toquoc.vn/cang-det-voi-nga-my-quyet-rut-khoi-hiep-uoc-cuu-van-chien-tranh-bat-chap-covid-19-20200406123151484.htm

Bạn đang đọc bài viết 'Căng đét' với Nga, Mỹ quyết rút khỏi hiệp ước cứu vãn chiến tranh bất chấp Covid-19 tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay