TPHCM hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Ảnh: Đại Trí. |
Cần đòn bẩy để bứt phá
Đại diện Sở Công thương cho biết, TPHCM với vai trò đầu tàu phát triển, có cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ hơn 60%. Thành phố không ngừng phát triển dịch vụ có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh so với các khu vực khác trong cả nước và có tỷ trọng đóng góp lớn trong tổng sản lượng sản phẩm quốc nội địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp của các ngành dịch vụ hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Vì vậy, TPHCM muốn trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 của TPHCM cho biết, các ngành dịch vụ rất quan trọng trong quy hoạch năm 2030 và 2050. Thế nhưng, khi xác định các ngành chủ lực thì nhà nước tác động gì để các ngành dịch vụ phát triển, thay vì chờ thị trường tự phát triển. Thành phố hiện nay đang chuyển đổi kép nền kinh tế xanh, kinh tế số. Vì vậy, không loại trừ ngành nào, các ngành dịch vụ cũng phải đi vào dòng chảy này. Ủng hộ các nhóm ngành mà Sở Công thương đưa ra, song ông Lịch cũng cho rằng cần phát triển không gian số, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa…
Đánh giá cao điều kiện phát triển kinh tế của thành phố, song chuyên gia kinh tế, hạ tầng của Bỉ nêu quan điểm: Muốn phát triển Trung tâm dịch vụ đòi hỏi phải xác định lợi thế của thành phố. Nghĩa là TPHCM có gì khác so với các tỉnh thành trong khu vực không. Ví như Singapore phát triển mạnh logistics và tài chính, nhưng Kuala Lumpur lại phát triển mạnh về dịch vụ văn phòng.
Vị này giải thích thêm, TPHCM có 2 lợi thế cạnh tranh. Thứ nhất, lợi thế lao động trẻ, năng động, trình độ học vấn cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao quan trọng giúp thành phố phát triển mạnh ngành công nghệ, tài chính, du lịch... Thứ hai, TPHCM được hưởng lợi tốc độ tăng trưởng chung của cả nước nên dễ dàng phát triển kinh tế dịch vụ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng giúp thành phố có những đột phá trong tương lai như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thâm dụng công nghệ, thâm dụng tri thức
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nếu phát triển thành trung tâm dịch vụ lớn, thành phố nên tập trung theo hướng thâm dụng công nghệ và thâm dụng tri thức, trở thành trung tâm dịch vụ nhưng vẫn phát triển nhiều ngành khác chứ không chú trọng một ngành dịch vụ nào đó.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, mặc dù trong thời gian qua, ngành dịch vụ của TPHCM có nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn trong cơ cấu GRDP của thành phố và có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là 9 ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố. Tuy nhiên quy mô, năng suất phát triển ngành dịch vụ vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Thậm chí, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững và vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Việc giải quyết những hạn chế của thành phố sẽ giúp mở ra các cơ hội mới nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ trong tương lai, nhất là các ngành dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định, đề án “Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” sẽ hoạch định chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của thành phố. Đây cũng là đòn bẩy cho sự phát triển của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TPHCM được định vị là đô thị hạt nhân, tập trung vào dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, là trung tâm phát triển của vùng với thế mạnh về giáo dục và đào tạo, y tế, phát triển đồng bộ hạ tầng vận tải, kho bãi và logistics... “Chính quyền thành phố sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo các ngành triển khai hiệu quả các nghị quyết về cơ chế đột phá, chính sách phù hợp. Đồng thời tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, kinh tế mũi nhọn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trên trường quốc tế” - ông Dũng nói.
Theo Đại Đoàn Kết