Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tư nhân đề xuất làm lưới truyền tải điện, EVNNPT nói gì?

Nguyễn Triệu 08:42 18/05/2020

EVNNPT kiến nghị không tiếp nhận lưới truyền tải do tư nhân đầu tư, trong khi vẫn duy trì độc quyền nhà nước đối với hệ thống truyền tải điện quốc gia.

EVNNPT hiện chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành hệ thống truyển tải điện trên cả nước

Ngày 20/4/2020, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam có văn bản số 351 đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện (EVNNPT) chuẩn bị nhân sự để đầu Quý 4/2020 tiếp nhận bàn giao TBA 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân cùng ngăn lộ 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân.

Trạm biến áp và đường dây 500kV có tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng đã được Trung Nam khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020, với mục tiêu quan trọng nhất là kết nối nhà máy điện mặt trời quy mô 450MW của doanh nghiệp này vào hệ thống truyển tải điện quốc gia, khắc phục tình trạng quá tải đường dây ở nhiều dự án năng lượng tái tạo hiện nay.

Tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện là chủ đề được nhắc đến nhiều trong khoảng một năm trở lại, khi cả trăm dự án ồ ạt vận hành khiến lưới điện nhiều nơi bị quá tải, dẫn tới nhiều nhà máy vận hành dưới công suất. Các doanh nghiệp đề xuất dự án lưới truyền tải điện xuất phát từ chính lợi ích từ chính nhà máy của họ.

Bộ Công thương mới đây đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó cho phép áp dụng các quy định về việc xã hội hoá đối với lưới truyền tải điện. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực mà không thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết giải thích Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.

Trước đó, vào giữa tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm giải thích Luật Điện lực liên quan đến nội dung quy định về Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, làm cơ sở huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư lưới truyền tải điện.

EVNNPT nói gì?

EVNNPT khẳng định về nguyên tắc, ủng hộ chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Tuy nhiên cần duy trì độc quyền nhà nước trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành đối với hệ thống truyền tải điện quốc gia - là hệ thống mang tính xương suống và huyết mạch, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. Đối với hệ thống điện truyền tải phục vụ đấu nối dự án nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia (lưới truyền tải điện), EVNNPT đề xuất xem xét nhà nước có thể không độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành.

Góp ý về hai phương án xã hội hoá gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, gồm Phương án 1: Chỉ xã hội hoá trong hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Các nhà đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải và bàn giao lại cho EVNNPT quản lý, vận hành; và Phương án 2: Xã hội hoá toàn bộ các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vận hành. Các nhà đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, quản lý và vận hành lưới điện truyền tải.

EVNNPT kiến nghị không thực hiện theo Phương án 1. Thứ nhất là do quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải hiện còn chưa rõ ràng; Thứ hai là không đúng tính chất của việc xã hội hoá bởi khi tiếp nhận tài sản và quản lý vận hành, EVNNPT sẽ phải hoàn trả lại các chi phí cho chủ đầu tư tư nhân và tiếp tục bố trí các nguồn lực để quản lý vận hành các công trình trên; Thứ ba là không kiểm soát được chất lượng, tiềm ẩn lớn đến nguy cơ sự cố, hư hỏng thiết bị, tổn thất điện năng cao trong, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng chủ đầu tư có thể sử dụng các thiết bị không đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở đó, EVNNPT kiến nghị thực hiện theo Phương án 2. Cụ thể, các chủ đầu tư thực hiện đầu tư và quản lý vận hành công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Lưới điện truyền tải đấu nối này không được tính vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Chi phí đầu tư sẽ được hạch toán vào giá bán điện. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về thoả thuận đấu nối và tính chi phí truyền tải điện (hoặc chia sẻ chi phí đầu tư, quản lý vận hành) giữa các chủ đầu tư nếu có nhiều nhà máy của nhiều chủ đầu tư khác nhau đấu nối lên lưới điện truyền tải do chủ đầu tư tư nhân đầu tư và quản lý vận hành.

Trở lại với đề xuất của Trung Nam, EVNNPT ngày 4/5/2020 có công văn số 1592 gửi tập đoàn mẹ EVN, tái khẳng định các quan điểm nêu trên, xin chủ trương để có ý kiến trả lời chính thức với Trung Nam.

Về thông tin có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư rồi bàn giao đường dây cho EVNNPT với giá "0 đồng", trao đổi với Nhadautu.vn, một lãnh đạo EVNNPT cho biết: “Nói bàn giao "0 đồng" là không đúng vì nếu tiếp nhận thì chi phí vận hành, bảo trì hàng năm, rồi sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn chúng tôi phải chịu, trong khi thiết bị, thi công chúng tôi không quản lý được chất lượng. Đó là một lý do EVNNPT giữ quan điểm không tiếp nhận các dự án lưới truyền tải của nhà đầu tư tư nhân, kể cả với giá "0 đồng".

Theo Nhà Đầu Tư

Link gốc : tu-nhan-de-xuat-lam-luoi-truyen-tai-dien-evnnpt-noi-gi

Bạn đang đọc bài viết Tư nhân đề xuất làm lưới truyền tải điện, EVNNPT nói gì? tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay