Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp: Cần có động lực từ cơ chế

TDVN 10:11 28/02/2020

Dù có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) nhưng phần lớn các hộ kinh doanh vẫn chưa "mặn mà" với việc chuyển đổi này.

Ông Nguyễn Quốc Hải - Viện trưởng Viện Đào tạo, tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) - cho biết: Chuyển đổi sang mô hình DN, các hộ kinh doanh sẽ được hưởng rất nhiều. Đầu tiên, về thủ tục, việc chuyển loại hình từ hộ kinh doanh sang DN đã dễ dàng hơn. Các hộ kinh doanh không cần phải giải thể mới chuyển đổi được như trước nữa mà có thể chuyển trực tiếp, giữ nguyên tên gọi, chỉ chuyển sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Bên cạnh đó, nhà nước dành nhiều ưu đãi đối với các hộ kinh doanh muốn chuyển sang loại hình DN như: Miễn phí thành lập, miễn phí đăng ký con dấu. Đồng thời, được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, các dự án đầu tư… giúp DN chủ động kế hoạch nguồn tài chính, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh (SXKD), nâng cao năng lực cạnh tranh. Được tham gia trực tiếp giao dịch việc làm, tuyển dụng lao động theo nhu cầu của DN và thuận lợi hơn trong tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh, dễ dàng trong việc huy động vốn, ngân sách.

Khi có tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa của hộ kinh doanh cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, dễ tiếp cận với nguồn vốn hay huy động vốn

Sau khi chuyển đổi, DN sẽ dễ dàng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đặc biệt, khi có tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa của hộ kinh doanh cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, dễ tiếp cận với nguồn vốn hay huy động vốn để phát triển, mở rộng SXKD…

Thuận lợi là vậy, song một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chỉ ra, có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành DN, tức là sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi.

Những hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi do lo lắng về việc sẽ phải nộp thuế nhiều hơn; thực hiện nghĩa vụ với người lao động cao hơn; phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định trong SXKD và nghiệp vụ kế toán. Bên cạnh đó, bản thân các hộ kinh doanh cũng chưa nắm rõ quy trình, thủ tục của việc chuyển đổi này. Với mô hình DN, họ sẽ phải thực hiện các vấn đề như mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, xây dựng hệ thống quản trị… làm gia tăng chi phí. Bên cạnh đó, phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy…

Rõ ràng, để hộ kinh doanh không ngại chuyển đổi thành DN, nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và có cơ chế phù hợp để các hộ kinh doanh không cảm thấy tốn chi phí và "thiệt thòi" hơn khi chuyển. Tuy nhiên, đi kèm với đó, bản thân các hộ kinh doanh cũng phải hiểu rằng, chuyển đổi thành DN họ sẽ có thêm cơ hội về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực canh tranh… và mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Công thương

Link gốc : https://congthuong.vn/chuyen-doi-ho-kinh-doanh-ca-the-thanh-doanh-nghiep-can-co-dong-luc-tu-co-che-133145.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp: Cần có động lực từ cơ chế tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường