Nhằm minh bạch các loại sản phẩm đồ uống không cồn, giúp phân biệt rõ các sản phẩm thuộc nhóm này để DN yên tâm hơn trong việc áp dụng Tiêu chuẩn trong sản xuất và kinh doanh, đồng thời hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước để đơn giản, hiệu quả hơn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, mới đây Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F9 Đồ uống đã đề xuất soát xét TCVN 7041:2009 nhằm cập nhật các quy định, yêu cầu đối với các sản phẩm đồ uống không cồn chưa có Tiêu chuẩn riêng để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồ uống không cồn.
Minh bạch chất lượng đồ uống, những tên gọi ‘nhập nhèm’ sẽ bị xóa bỏ |
Dự thảo TCVN phiên bản 2019 áp dụng cho một số nhóm sản phẩm nước giải khát có mặt trên thị trường như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác, nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc.
Theo ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), trên thị trường hiện có rất nhiều loại sản phẩm đồ uống không cồn như: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; nước rau quả, đồ uống từ ngũ cốc, đậu đỗ, đồ uống từ sữa và sản phẩm sữa… Hay nước giải khát như: nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống từ thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây…
Hiện đã có các TCVN đối với sản phẩm nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước rau quả, các sản phẩm sữa dạng lỏng, sữa đậu nành… là các sản phẩm thuộc nhóm đồ uống không cồn. Riêng đối với các sản phẩm nước giải khát vẫn chưa có các quy định cụ thể.
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã yêu cầu Bộ Khoa học và công nghệ “rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn… tạo điều kiện để thương mại hóa các sản phẩm của doanh nghiệp”. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã chỉ đạo: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn còn thiếu…, đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Vì vậy, năm 2019, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F9 Đồ uống đã đề xuất soát xét TCVN 7041:2009, nhằm cập nhật các quy định, yêu cầu đối với các sản phẩm đồ uống không cồn chưa chưa có tiêu chuẩn riêng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước giải khát.
Phạm vi áp dụng của dự thảo TCVN về nước giải khát quy định các yêu cầu đối với các loại nước giải khát cụ thể như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa nước trái cây...
Trước những lo ngại của một số doanh nghiệp về việc soạn thảo thêm một TCVN về nước giải khát sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn khi thực thi trong khi Bộ Y tế cũng đã có 1 QCVN về đồ uống không cồn, ông Hưng cho biết, hiện nay chỉ có một QCVN và một TCVN về nước giải khát. Trong đó, TCVN là tự nguyện áp dụng và hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với các sản phẩm đồ uống không cồn, hiện có QCVN 6-2:2010/BYT, trong đó chỉ quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng; độc tố vi nấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; vi sinh vật) và các yêu cầu quản lý đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn.
Trong khi đó, dự thảo TCVN nêu trên chỉ tập trung vào các yêu cầu về mức chất lượng đối với các sản phẩm nước giải khát cụ thể, bao gồm yêu cầu cảm quan và các chỉ tiêu lý - hóa.
Như vậy, dự thảo TCVN nêu trên không gây ra sự chồng chéo, rối loạn, khó thực thi cho doanh nghiệp mà ngược lại sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công bố chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong dự thảo TCVN đã đưa ra định nghĩa chi tiết về một số sản phẩm nước giải khát có mặt trên thị trường như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước giải khát chứa nước trái cây, nước giải khát chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè... Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm nước giải khát chỉ chứa vài phần trăm, thậm chí chỉ có vài phần nghìn nước trái cây hoặc chỉ chứa một phần dịch chiết từ chè nhưng lại ghi nhãn “nước cam”, “nước chanh dây”, “nước chanh muối”, “nước trà xanh” v.v... Điều này là chưa minh bạch trong việc ghi nhãn, làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính, ảnh hưởng xấu đến lợi ích của người tiêu dùng.
Phần định nghĩa về các sản phẩm nước giải khát cũng như các mức chất lượng tương ứng của mỗi nhóm sản phẩm (ví dụ như hàm lượng cafein đối với nước uống tăng lực chứa cafein, hàm lượng polyphenol đối với nước uống làm từ trà...) được tham khảo, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn các nước. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo TCVN của các chuyên gia, các viện nghiên cứu, phòng thử nghiệm, các hội và hiệp hội cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước giải khát, đa số ý kiến đồng thuận và không có ý kiến phản đối các nội dung của dự thảo, những ý kiến góp ý cụ thể và hợp lý đã được ban kỹ thuật TCVN tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo