Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm phục vụ tết

LĐTĐ 07:31 02/01/2020

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn trên thị trường cho Tết nguyên đán khá phong phú, đa dạng.

Sẵn sàng nguồn cung

Theo Sở Công thương Hà Nội cho biết, ước tính lượng hàng hóa bán ra trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán khá dồi dào; trong đó gạo hơn 191 nghìn tấn, thịt gia cầm gần 15 nghìn tấn, thịt bò hơn 12 nghìn tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ hơn 247 nghìn tấn, thực phẩm chế biến gần 13 nghìn tấn, thủy hải sản hơn 11 nghìn tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn…; tổ chức bán hàng ở 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ trên địa bàn.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho dịp Tết với tổng trị giá hàng hóa là 19.027,3 tỷ đồng, tăng 3,27% so với năm 2019; riêng hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỷ đồng.

Các địa phương khác cũng đã chuẩn bị nguồn hàng để bảo đảm đủ cung ứng cho thị trường. Tại tỉnh Hà Tĩnh, giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh phục vụ Tết Canh Tý là khoảng 1.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái, gồm nhiều mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: các loại thịt, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, rau, củ, quả, thủy hải sản, gạo…, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng biến động về giá hay thiếu hàng vào thời điểm áp Tết. Ở tỉnh Bắc Giang, tổng giá trị hàng hóa cho Tết Nguyên đán ước khoảng 2.666 tỷ đồng.

Về mặt hàng rau, theo nhận định của các chuyên gia trồng trọt, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây trồng. Từ nay đến Tết, thời gian đủ để nông dân chủ động chuẩn bị nguồn rau, do vậy rau xanh sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện giá bắp cải, su hào, cà-rốt, khoai tây, súp lơ, cà chua..., ở nhiều nơi tăng từ 5 đến 10% so với tháng trước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) Nguyễn Văn Minh cho biết, sắp tới, đơn vị cung cấp ra thị trường từ 1.500 đến 1.800 tấn rau các loại.

Trong khi đó, giá thủy, hải sản ở các chợ dân sinh tại Hà Nội có xu hướng tăng. Giá cá trắm từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg, cá rô phi từ 45 nghìn đến 55 nghìn đồng/kg, tôm từ 220 nghìn đến 250 nghìn đồng/kg; giá thịt bò từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg; lượng trứng, thịt gia súc, gia cầm dồi dào. Theo chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán gà ở chợ Long Biên (Hà Nội), giá gà ta hiện ở mức từ 130 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg, đến sát Tết chắc tăng thêm từ 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, do sức mua tăng. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân Phạm Thanh Hùng chia sẻ: “DN đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín từ trang trại nuôi gà lấy trứng và chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, xử lý và chế biến thực phẩm hiện đại, qua đó đưa ra thị trường Tết thực phẩm bảo đảm an toàn.

Các siêu thị đã chuẩn bị xong các nguồn cung cho cac quầy hàng Tết

Ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, chúng tôi còn bán sản phẩm ở chợ truyền thống với giá ổn định”. Riêng mặt hàng thịt lợn, do nguồn cung sụt giảm bởi dịch tả lợn châu Phi, cho nên giá vẫn ở mức từ 160 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg. Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các địa phương, DN tăng cường bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn. Theo Sở Công thương Hà Nội, trong tháng Tết (tháng 1-2020), nhu cầu tiêu dùng khoảng 23.520 tấn, trong đó, nguồn của thành phố khoảng 14.600 tấn, nhập từ các tỉnh khoảng 8.920 tấn. Hà Nội phối hợp 13 địa phương khác bình ổn giá thịt lợn trong thời gian này. Trong khi đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hiện có khoảng 3.500 đến 4.500 tấn thịt lợn an toàn, giá hợp lý cung cấp cho toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trong cả nước từ nay đến sau Tết Nguyên đán. Dự kiến từ ngày 20 đến 24-1-2020, tại Đà Nẵng sẽ có từ 15 đến 20 điểm bán thịt lợn bình ổn giá, cung ứng khoảng 10 đến 15% tổng sản lượng tiêu thụ thịt lợn mỗi ngày (khoảng 15 đến 18 tấn/ngày)...

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Để nhân dân cả nước đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan gồm: NN và PTNT, Công thương, Y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bởi ở nhiều nơi, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các điểm nhỏ lẻ, thường xuyên biến động) vẫn có những vi phạm. Các chợ “cóc” hoạt động thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm VSATTP. Để khắc phục bất cập nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND chỉ đạo triển khai công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2020, thành lập một số đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác này trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020. Đồng thời chỉ đạo ban quản lý các chợ luôn nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về VSATTP.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã triển khai hoạt động kiểm tra VSATTP ở những cơ sở chế biến và các siêu thị cung ứng thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng, mặt hàng tươi sống không rõ nguồn gốc. Từ ngày 15-12-2019 đến 25-3-2020, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã và sẽ triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra từ thành phố đến cấp phường, xã, thị trấn, tập trung vào các nhóm thực phẩm tiêu thụ nhiều, các làng nghề chế biến thực phẩm. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm mất VSATTP, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã huy động mọi nguồn lực, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Theo Bộ NN và PTNT, giá thịt lợn có dấu hiệu ổn định và đi xuống khi mấy ngày qua, nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi mỗi ngày bán ra thị trường vài nghìn con lợn. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã giảm giá từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg lợn. Trong đó, giá lợn hơi của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn DABACO ổn định ở mức 83.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên, giá lợn hơi đã giảm còn 87.000 đồng/kg so với 95.000 đồng/kg trong những ngày trước. Tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, giá lợn hơi chỉ còn 93.000 đồng/kg; tại Phú Thọ ở mức 90.000 đồng/kg. Tại miền trung - Tây Nguyên ghi nhận mức giá mạnh từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg. Tại khu vực miền nam giá lợn hơi dao động trong khoảng 88.000 - 95.000 đồng/kg. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh cùng bằng mức giá 93.000 đồng/kg. Bộ NN và PTNT cũng cho biết, nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán sẽ được bảo đảm.
Bạn đang đọc bài viết Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm phục vụ tết tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường