Để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19), các nhà thuốc như Pharmacity, Long Châu, siêu thị Vinmart, Aeon, Coop Mart, BigC... đã cam kết bán đúng giá khẩu trang. Nhưng để tránh “cháy” hàng khi dịch Covid-19 còn kéo dài, hầu hết đều khống chế số lượng bán 5-10 chiếc hoặc 1-2 hộp khẩu trang cho mỗi khách hàng.
.Theo đại diện truyền thông Saigon Co.op, tại các siêu thị Coopmart, chuỗi cửa hàng tiện lợi Coop Xtra, mỗi ngày bán ra 20.000 chiếc khẩu trang y tế các loại. Nhưng đơn vị này giới hạn số lượng, mỗi khách hàng chỉ được mua 10 chiếc.
--Người dân xếp hàng chờ mua khẩu trang tại một nhà thuốc Pharmacity. |
Tương tự, Big C phân phối 1 triệu chiếc khẩu trang với giá bình ổn và 500.000 khẩu trang vải kháng khuẩn của Dệt kim Đông Xuân. Đơn vị này khẳng định "bán giá không lợi nhuận" tại 37 siêu thị, ở 22 tỉnh, thành.
Hệ thống Vinmart và Vinmart + cũng cung ứng 1,6 triệu chiếc khẩu trang giá không đổi đến hết tháng 2, dao động 34.000–45.000 đồng một hộp. Số lượng này tăng lên 4 triệu chiếc đến cuối tháng 3.
Gần 4,5 triệu chiếc khẩu trang loại dùng 1 lần và dùng nhiều lần cũng được Aeon Việt Nam bán ra tại 5 trung tâm siêu thị Aeon Mall. Mỗi người được mua tối đa 2 hộp, mỗi hộp 30 chiếc, giá dao động 39.000 - 66.000 đồng một túi hoặc hộp, tùy loại.
Hiện Công ty Dệt kim Đông Xuân phân phối khẩu trang vải kháng khuẩn tại 5 điểm bán ở Hà Nội nhưng cũng khống chế số lượng theo ngày, thậm chí theo giờ. Công ty ước tính, mỗi ngày sẽ bán 3.000 - 6.000 chiếc mỗi ngày. Riêng tại 3 điểm bán ở Bà Triệu, Phan Chu Trinh và Khâm Thiên, công ty bán ra 700 chiếc vào 15h hàng ngày.
Vinatex cho biết, đến cuối tháng 2 sẽ cung ứng ra thị trường 10 triệu chiếc với công suất sản xuất khoảng 250.000 chiếc một ngày và dự kiến tăng gấp rưỡi sau ngày 17/2. Hệ thống thương hiệu thời trang Canifa cũng cung cấp 250.000 khẩu trang vải, giá bán 45.000 đồng mỗi túi 5 chiếc.
Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex lưu ý, đây chỉ là khẩu trang vải được may trên vải kháng khuẩn xử lý theo công nghệ Nhật Bản, không phải khẩu trang y tế. Chất liệu này được kiểm tra có lượng vi khuẩn ít hơn vải thông thường 100 lần, duy trì được tỷ lệ kháng khuẩn này sau 30 lần giặt.
--Bộ Y tế khuyến cáo người dân có thể sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn chống dịch Covid-19. |
Một số chuỗi nhà thuốc lớn như Pharmacity, Minh Châu, Long Châu, Medicare... cũng cam kết bán bình ổn khẩu trang và cũng hạn chế mỗi người mua 10 chiếc hoặc 2 hộp khẩu trang mỗi lần để tránh tình trạng thiếu hàng khi dịch Covid-19 còn kéo dài. Như chuỗi Pharmacity còn chỉ bán khẩu trang vào các ngày thứ 3, 5 và 7 hàng tuần, khung 7-8h và 19-20h.
Theo tính toán của Bộ Y tế, mỗi ngày Việt Nam cần 10 triệu chiếc khẩu trang. Do khan hiếm khẩu trang y tế, bộ khuyến cáo người dân có thể sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn và giặt sau mỗi ngày sử dụng.
Khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn là mặt hàng rất quan trọng trong việc phòng chống dịch Covid-19, nhưng thực tế trên thực tế, trên thị trường mặt hàng này vẫn khan hiếm và là nỗi lo thường trực của nhiều người dân. Theo ghi nhận chung, tại nhiều nơi, người dân vẫn phải xếp hàng chờ mua khẩu trang. Các đơn vị kinh doanh bên cạnh giá bán cũng cần cung cấp đủ số lượng hàng như đã cam kết, tránh tình trạng “bánh vẽ” cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, trên nhiều địa bàn, đã tạm giữ và xử phạt hành chính với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân. Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, tại 63 tỉnh/thành phố, các nhà thuốc phải ký cam kết với QLTT không được găm hàng, bán đúng giá niêm yết. Trường hợp găm hàng bị phát hiện sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất. Nếu bán khẩu trang mà không niêm yết giá cũng sẽ xử phạt. Nhận định thương mại điện tử (TMĐT) là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, từ rất sớm, Cục đã có Công văn gửi các website, sàn giao dịch TMĐT xử lý các doanh nghiệp đẩy giá sản phẩm lên cao. Các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee… đã xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm đẩy giá sản phẩm, bên cạnh đó, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý. |
Theo danviet.vn