Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, bằng biện pháp nghiệp vụ, vào ngày 11/2, QLTT Hà Nội phát hiện một người Lạng Sơn tên là Chu Ngọc Tú (sinh năm 1993) đang thu gom số lượng lớn khẩu trang để bán hưởng chênh lệch. Số hàng hóa phát hiện lên tới 143.000 chiếc, trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
Trong lúc kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện có một loạt khẩu trang ghi nhãn ngoài là kháng khuẩn 4 lớp nhưng không thể hiện thông tin địa chỉ nhà sản xuất. Giá thu gom số khẩu trang này ngoài thị trường là 364.000 đồng/hộp. Ngoài ra, cũng có loại khẩu trang 4 lớp ghi địa chỉ sản xuất ở TP.HCM.
Ngay sau đó, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo tiếp tục vào cuộc điều tra sâu thêm về vụ án. Một mặt, cơ quan này gửi mẫu hàng thu được đi kiểm định tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm Hà Nội. Một mặt cử các đội trinh sát tiếp cận địa bàn để tìm hiểu các cơ sở sản xuất nêu trên.
Đến sáng 13/2, cơ quan kiểm định cho biết khẩu trang được thu giữ là hàng giả. Lớp vải kháng khuẩn đã được thay hoàn toàn bằng giấy vệ sinh. Cùng thời gian đó, trinh sát cũng nắm được thông tin về 2 cơ sở sản xuất tại Hà Nội, TP.HCM và nhanh chóng xuống kiểm tra một cách bí mật.
“Rất may khi giao dịch trên mạng của các đối tượng đã để lại manh mối. Chúng tôi thậm chí còn đóng vai người có nhu cầu mua hàng để tiếp cận người bán ở cơ sở sản xuất”, ông Linh kể.
Theo Tổng cục trưởng QLTT, ngay chiều 13/2, lực lượng này đã bí mật xuống kiểm tra 2 cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM.
Tại Hà Nội, cơ sở sản xuất bị phát hiện là Công ty TNHH Việt Hàn, có trụ sở tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Tại đây, cơ quan quản lý thị trường phát hiện số lượng lớn khẩu trang giả thành phẩm, giấy vệ sinh nguyên liệu và cả 5 dây chuyền sản xuất.
Theo ông Trần Hữu Linh, chủ cơ sở khai đã nhập những cuộn giấy to từ Bắc Giang về thay cho lớp màng lọc kháng khuẩn và sản xuất hàng loạt khẩu trang y tế. Cả xưởng có 5 dây chuyền, với công suất là 1 hộp khẩu trang (50 chiếc)/phút/dây chuyền. Thương hiệu được in trên nhãn chủ yếu là khẩu trang y tế Tulips.
Như vậy, cứ một giờ, cả xưởng có thể sản xuất được 300 hộp khẩu trang, bán với giá trung bình 364.000 đồng/hộp. Doanh thu trong một giờ có thể đạt 110 triệu đồng. Sản xuất cả ngày đêm, cơ sở này có thể thu về vài chục tỷ đồng mỗi ngày. “Có thể nhân lên số lượng khẩu trang sản xuất trong 2 tuần qua để thấy họ kiếm lời bất chính nhiều thế nào. Các loại khẩu trang họ làm ra cũng gắn mác 3M, N95, Nhật Bản…”, ông Linh nói.
Trong khi đó, Công ty Việt Hàn đăng ký các ngành nghề là: In và các dịch vụ liên quan đến in; sản xuất, kinh doanh khăn giấy, giấy vệ sinh, bông băng vệ sinh, tã lót, các sản phẩm từ giấy, bông; chế biến thực phẩm…
Còn tại TP.HCM, kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang mang thương hiệu Nice Star tại quận Tân Phú, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ hàng chục nghìn khẩu trang có dấu hiệu làm giả với thủ đoạn tương tự. Trên kết quả xét nghiệm này, ông Trần Hữu Linh khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang. Ông nhấn mạnh không nên mua khẩu trang ở những cơ sở không uy tín hoặc trôi nổi trên mạng. Với các vật dụng liên quan đến sức khỏe, người tiêu dùng nên tìm mua mặt hàng này tại các điểm bán uy tín, tin cậy.
“Người tiêu dùng khi mua khẩu trang về có thể kiểm tra đơn giản bằng cách bóc thử lớp màng ở giữa. Lớp vải kháng khuẩn thường không thấm nước”, ông chia sẻ.
Đồng thời, người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Người dân nên chọn mua bán các sản phẩm y tế tại cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...