Tăng trưởng toàn ngành đạt mức 2,74%
Theo Báo cáo 9 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ công tác tháng 10 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng với nỗ lực ngay từ những tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tính chung 9 tháng, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…
Tăng trưởng toàn ngành vẫn đạt mức 2,74%. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp có mức tăng trưởng cao lần lượt là 2,9%, 4,22% và 3,3%; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tăng trên tất cả các lĩnh vực với 35,5 tỷ USD, tăng 17,7%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn nhiều so với bình quân cả nước, ước đạt 64,4%; công tác phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả khá, nhất là số lượng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được công nhận ngày càng tăng.
Có 61 tỉnh/thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 4.957 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 62,3% sản phẩm 3 sao; 35,9% sản phẩm 4 sao và 1,3% sản phẩm tiềm năng 5 sao của 2.711 chủ thể tham gia.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính tăng 14,4%
Về kim ngạch xuất khẩu, theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 9/2020 nhưng tăng 4,8% so với tháng 8/2021. Tính chung 9 tháng, kim ngạch XK NLTS ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.
Giá trị XK NLTS 9 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,2% thị phần), châu Mỹ (30,7%), châu Âu (11,3%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%). Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,7% tỷ trọng kim ngạch XK NLTS của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 24,4% tỷ trọng kim ngạch XK NLTS; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 2,4 tỷ USD (chiếm 6,8%) và XK nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 42,9% giá trị XK NLTS); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt khoảng 1,6 tỷ USD (chiếm 4,3%) và XK nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 36,2% giá trị XK NLTS).
Bộ NN-PTNT đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản; xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường.
Trong đó có việc cung cấp thông tin phục vụ cho việc đánh giá rủi ro đối với sản phẩm sắn xuất khẩu sang Trung Quốc. Kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch; thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội về khôi phục thông quan chuối, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai.
Thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản với các nước như Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản (đặc biệt vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt đang vào vụ thu hoạch) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc…
Đẩy mạnh hoạt động “Quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực”.
Bộ NN-PTNT cũng sẽ hướng dẫn thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khi xuất sang Trung Quốc.
Ghi nhận thành quả về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, cả nước có 78 liên hiệp HTX và 17.971 HTX nông nghiệp (tăng 194 HTX so với tháng 6/2021) và 19.667 trang trại; có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề, trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống đã được công nhận.