Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Thất nghiệp tăng vọt, thị trường lao động ảm đạm vì Covid-19

TDVN 07:33 13/07/2020

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 cao nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo đang tăng lên.

Thông tin đáng chú ý trên vừa được đưa ra trong buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 10/7.

Tỷ lệ thất nghiệp nhiều nhất ở nhóm chuyên môn thấp

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm toàn cầu. Dự báo khoảng một nửa lao động toàn cầu mất việc, mất sinh kế.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại Việt Nam quý II/2020 là gần 1,3 triệu người, tăng 192,8 nghìn người so với quý trước và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là 2,73%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đây là quý có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp trong quý II/2020 là 410,3 nghìn người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý II/2020 là 6,98%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp gần 3,6 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,09%, tăng 1,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,46 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết gọn là tỷ lệ NEET, tiếng Anh: Youth not in employment, education or training) trong quý II/2020 là 12,7%, tương đương với gần 1,37 triệu người; tăng 0,9 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỉ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Bà Thủy cho biết thêm, trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động - không tham gia hoạt động kinh tế.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Điều này cho thấy trước những cú sốc kinh tế, lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có chuyên môn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Doanh nghiệp cũng lao đao

Báo cáo cũng cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình lao động việc làm tại hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh. Có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020.

Khoảng 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong 4 giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: (1) Cắt giảm lao động, (2) Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, (3) Cho lao động nghỉ việc không lương, (4) Giảm lương người lao động. Trong đó, “Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất với gần 40% doanh nghiệp thực hiện, trên 28% doanh nghiệp thực hiện “Cắt giảm lao động”.

Bên cạnh các giải pháp tác động tiêu cực tới người lao động, 5,3% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng cho biết đã tranh thủ thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 để “đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động”. Đây là phản ứng chủ động, tích cực và đáng ghi nhận của doanh nghiệp nhằm thích ứng với bối cảnh mới, chung tay cùng Chính phủ và người lao động từng bước vượt qua thách thức của dịch bệnh.

Đánh giá chung về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh nói chung và ảnh hưởng đến người lao động nói riêng, Tổng cục Thống kê nhận định, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động là cấp thiết giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng.

Nghiên cứu xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp cần thực hiện. Trong đó, cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là những ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải.

Về phía doanh nghiệp và người lao động, cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới sau khi xảy ra dịch Covid-19 để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/that-nghiep-tang-vot-thi-truong-lao-dong-am-dam-vi-covid-19-103956.html

Bạn đang đọc bài viết Thất nghiệp tăng vọt, thị trường lao động ảm đạm vì Covid-19 tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường