Bộ Thương mại Mỹ hôm 14/12 công bố doanh số bán lẻ tháng 11 của nước này tăng 0,3% so với tháng trước đó. Số liệu này trái ngược với dự báo của các nhà kinh tế học là giảm 0,2%. Trong tháng 10, doanh số bán lẻ giảm 0,2% - lần đầu tiên kể từ tháng 3.
Nếu không tính các trạm xăng, doanh số bán lẻ của Mỹ còn tăng mạnh hơn, với 0,6%. Doanh số tăng ở hầu hết lĩnh vực, mạnh nhất là nhà hàng. Người Mỹ cũng chi mạnh tay cho mua hàng trực tuyến. Ngược lại, doanh số tại các trạm xăng giảm 2,9%.
Số liệu hôm qua cho thấy người Mỹ sẵn sàng mở hầu bao khi lạm phát chậm lại và thị trường việc làm vẫn vững mạnh, bất chấp lãi suất tại nước này hiện cao nhất 22 năm và tăng trưởng kinh tế cũng đang chậm lại.
Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết lương giờ trung bình tăng 0,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng tăng thứ 8 liên tiếp của chỉ số này.
Tuần trước, một khảo sát của Đại học Michigan chỉ ra lạm phát hạ nhiệt và niềm tin giá cả tiếp tục đi xuống đã giúp người Mỹ lạc quan hơn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người Mỹ không chịu thiệt hại nếu tiếp tục chi tiêu mạnh tay.
"Tình hình chung hiện nay là người Mỹ vẫn đang tiếp tục chi tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Phần lớn người Mỹ cho rằng việc làm đã ổn định, giá nhiên liệu đang đi xuống, giúp họ tự tin chi cho các sản phẩm khác", Bill Adams - kinh tế trưởng tại Comerica Bank nhận định.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu thị trường việc làm có tiếp tục ổn định cho đến năm 2024 hay không. Người Mỹ đang rút tiền tiết kiệm từ trong đại dịch ra tiêu. Họ cũng đang mắc nợ nhiều hơn, do bắt đầu phải trả lại tiền vay học đại học.
Trong khi đó, số việc làm mới tháng 10 đã rơi xuống thấp nhất 2 năm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn ở mức thấp, nhưng số đơn xin trợ cấp lần sau đang tăng lên, chạm 1,8 triệu người trong tuần cuối tháng 11.
Theo báo Vnexpress