Thiếu vỏ container, thiếu chỗ, chi phí cao…
Mới đây, Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng với lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực logistics.
Trong bối cảnh hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển.
Tuy nhiên, xuất khẩu đường biển cũng vấp phải khó khăn do tình trạng thiếu vỏ container, thiếu chỗ…Nói như ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam: “Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển qua đường biển nhưng không có container lạnh. Có doanh nghiệp tìm được nhưng phải trả với giá rất cao nên không dám đi. Doanh nghiệp dám đi thì cũng rất mù mờ không biết tới cảng Trung Quốc có kịp hạ bãi không vì sẽ kẹt cầu cảng. Hơn nữa, nếu cảng Trung Quốc cho nhân viên nghỉ Tết sớm là “mệt”, chờ qua Tết hàng sẽ hư hết, chưa kể còn phải qua khâu kiểm COVID-19 tương tự như hàng đi đường bộ rất mất thời gian. Nói chung là “năm ăn năm thua””.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cũng cho biết, container lạnh đường biển đang thiếu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải mua lại container lạnh từ doanh nghiệp khác nên giá tăng gấp đôi, thậm chí 3-4 lần so với mức giá thực tế khoảng 4-8 triệu một container 20 feet.
Do đó, ông Huy lưu ý rằng, với chi phí cao như vậy, khi hàng sang đến nơi mà bị từ chối là doanh nghiệp thua lỗ thê thảm.
Cùng cảnh, ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, tình trạng tắc cửa khẩu khiến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị dồn từ đường bộ sang đường biển, gây tình trạng quá tải, thiếu container làm phát sinh tình trạng "buôn bán chợ đen" container lạnh, đẩy giá container lạnh tăng đột biến, giá cước vận tải biển cũng tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu "khó trăm bề".
Tắc đường bộ, cấm đường biển
CTCP Khoai lang Nhật Thành có hợp đồng xuất khẩu mỗi tháng 50 container mít Thái và khoai lang sang Trung Quốc. Công ty này và đối tác phía Trung Quốc thoả thuận xuất trước 10 container bằng đường biển.
Tuy nhiên, chia sẻ trên báo VnExpress, ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc công ty cho biết, chưa kịp xuất hàng đi thì nhận được thông báo từ phía đối tác là tạm ngừng xuất vì nhiều lý do bất khả kháng. Trong đó, phía đối tác Trung Quốc cho biết chính quyền nước này đang thắt chặt hoạt động nhập khẩu từ đầu năm nay. Ngoài ra, các cảng phía Trung Quốc đang ùn ứ vì năng lực thông quan chậm dưới tác động của chính sách "Zero Covid" của nước này.
"Chúng tôi rất bối rối vì quyết định đột ngột trên. Tuy nhiên, may mắn là hàng chưa cắt và đóng gói nên tạm thời chuyển hướng xuất và sẽ trở lại thị trường này nếu có thông báo mới từ phía đối tác", ông Có nói.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, hơn tuần nay nhiều đơn hàng còn lênh đênh trên biển chưa cập cảng và có nguy cơ tổn thất cộng dồn khi hàng hoá thông quan kéo dài, cảng ùn ứ.
"Phía Trung Quốc báo mỗi ngày họ chỉ kiểm được khoảng 5 container rau quả của Việt Nam do quy định kiểm tra Covid-19 khắt khe. Do đó, nhiều đối tác nhập khẩu có thông báo cho doanh nghiệp Việt hạn chế xuất bằng đường biển trong thời gian này", ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nói.
Đồng quan điểm, Đại diện Bộ Công Thương cũng xác nhận, chính quyền Trung Quốc vừa yêu cầu người làm việc, phục vụ tại các cửa khẩu bắt buộc phải cách ly 21 ngày trước khi về nghỉ Tết, khả năng các nhân sự làm việc tại các cảng biển phía bạn sẽ nghỉ Tết sớm để họ đảm bảo đủ thời gian cách ly, tương tự với đường bộ.
Vị này cũng cho hay, phía Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ phòng, chống Covid-19 không chỉ với đường bộ mà cả đường biển.
Ông khuyến cáo các doanh nghiệp nắm bắt thông tin để điều tiết đưa hàng lên tàu, vận chuyển hợp lý, tránh thời gian nghỉ Tết dài phía bạn, ảnh hưởng tới chất lượng hàng khi phải lưu kho bãi lâu.