Vinamilk và Unilever có 8 năm liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu trong top các nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại thành thị 4 thành phố (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và khu vực nông thôn, theo bảng xếp hạng các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam của Kantar.
Cụ thể, Unilever liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng ở khu vực nông thôn, phần lớn nhờ vào việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, không chỉ giúp bắt kịp làn sóng “tăng cường an toàn vệ sinh” trong các hộ gia đình Việt, mà còn giúp mở rộng sự nhận biết về thương hiệu.
Hơn nữa, với sự xuất hiện không mong muốn của đại dịch Covid-19, nhu cầu cho các sản phẩm vệ sinh vẫn tiếp tục tăng cao, mang lại cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu này đã khẳng định vị thế khi sở hữu hơn một nửa số thương hiệu trong bảng xếp hạng tốp 10 ngành hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp năm 2019. Close-Up, thương hiệu chăm sóc răng miệng nhắm đến phân khúc người tiêu dùng trẻ hơn, đã thu hút gần 40,000 hộ mua mới ở khu vực thành thị 4 thành phố chính một phần nhờ các sản phẩm chứa thành phần thiên nhiên ra mắt từ năm ngoái.
Bảng xếp hạng các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam. |
Trong khi đó, tại 4 thành phố lớn, Vinamilk một lần nữa được ghi nhận là nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất trong 8 năm liên tiếp và tạo ra khoảng cách an toàn với các tay đua khác trên bảng xếp hạng.
Kantar nhận định nhà sản xuất nội địa này đã tiếp cận được hơn 80% hộ gia đình Việt nhờ vào các hoạt động quảng cáo nhấn mạnh giá trị dinh dưỡng mà sản phẩm mang lại cũng như không ngừng đổi mới hình ảnh với nhiều sản phẩm mới được tung ra nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Riêng trong lĩnh vực sữa và sản phẩm thay thế sữa, Vinamilk duy trì vị thế đứng đầu ở cả thành thị 4 thành phố chính và nông thôn với mạng lưới tiêu dùng rộng khắp. Đặc biệt, có tới gần 92% người tiêu dùng tại thành thị 4 thành phố chính chọn mua sản phẩm của Vinamilk, cao hơn nhiều so với các thương hiệu khác trong tốp 10.
Ngoài ra, thương hiệu này còn thu hút thêm được gần 120.000 hộ gia đình mới ở khu vực nông thôn bằng cách liên tục nhấn mạnh hình ảnh và giá trị thương hiệu với sự đầu tư vào nhiều mặt hàng cao cấp, tốt cho sức khỏe như các sản phẩm hữu cơ, sữa hạt.
Năm 2019, Nestle là nhà sản xuất duy nhất đạt tăng trưởng điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP) ở mức hai chữ số trong bảng xếp hạng tại khu vực nông thông Việt Nam. Nestle đã thể hiện đáng chú ý khi thu hút thêm gần nửa triệu người mua mới ở khu vực này, một phần nhờ vào sự mở rộng danh mục sản phẩm.
Calofic duy trì tăng trưởng tích cực ở cả hai khu vực, được đóng góp chủ yếu từ Simply, một trong những thương hiệu dầu ăn của nhà sản xuất này, thông qua các hoạt động tiếp thị và truyền thông năm vừa qua.
Các thương hiệu nội địa làm nóng đường đua
Một trong những điều thú vị của bảng xếp hạng năm nay là các tay chơi nội địa trong lĩnh vực chăm sóc gia đình.
LIX, một thương hiệu Việt về tẩy rửa nhà cửa, đã cho thấy những thành tựu đáng chú ý khi giữ vững vị trí tốp 5 ở cả thành thị 4 thành phó chính và nông thôn. Ngoài ra, với nỗ lực mang lại giá trị tương xứng với chi tiêu của người tiêu dùng ở khu vực thành thị, LIX cũng được tôn vinh là thương hiệu thứ hai đạt mức tăng trưởng cao về CRP trên thị trường tiêu dùng nhanh.
Nhờ nắm bắt xu hướng tăng cường giữ gìn vệ sinh trong các gia đình Việt, các thương hiệu về giấy cũng đang làm nóng sân đua. Tại 4 thành phố chính, Tiến Hiếu, một thương hiệu trong nước, đạt mức tăng trưởng CRP mạnh mẽ là 21%, bước lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng trong lĩnh vực chăm sóc gia đình.
Trong khi đó, Việt Nhật cũng đang làm rất tốt tại khu vực nông thôn khi ghi nhận hơn 200,000 người mua sắm mới trong năm qua.
Theo TheLEADER