Điểm sáng xuất khẩu cà phê
Tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%). Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%. Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,6%; Cà phê tăng 44,1%; Gạo tăng 38,2%; Điều tăng 19,3%; Rau quả tăng 28,1%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), xuất khẩu cà phê đang đạt được mức tăng ấn tượng nhất, với 2,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo tiếp nối phía sau, trong 5 tháng đầu năm đã xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo, đem về 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Với thị trường rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng.
Tuy chưa đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như với các mặt hàng nông sản và lâm sản, nhưng xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì năm 2023. Trong đó, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm tháng 5/2024 đem về 361 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng lên 1.335 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Gắn chặt các mối liên kết
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn đó những tồn tại có thể kéo lùi những kết quả xuất khẩu ngành hàng nông nghiệp, như việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn lỏng lẻo, hay xa hơn nữa chính là việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp…
Với ngành gạo và rau quả, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn khi nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Tuy nhiên yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ càng cao và có tính ổn định, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với hàng nông sản xuất khẩu. Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh đàm phán ký kết mới và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu thì việc liên kết, hợp tác giữa các ngành hàng trong nước rất quan trọng.
Theo ông Bình, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát xử lý chất lượng rau quả. Các cơ quan chức năng cùng cơ quan chuyên ngành của địa phương cần giám sát việc thực hiện các quy trình trong quá trình sản xuất, từ việc sử dụng vật tư đầu vào, trồng trọt, chăm sóc, đến thu hoạch (theo dõi, giám sát thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch của các mã số vùng trồng) để đảm bảo đủ chất lượng, an toàn và dễ dàng, thuận tiện cho công tác truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, cơ quan chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh mua bán tại địa phương từ vật tư đầu vào đến các sản phẩm thu hoạch, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực. “Quản lý chặt chẽ, sát sao đội ngũ cò lái ngăn chặn việc tranh mua tranh bán, đẩy giá làm rối loạn thị trường” – ông Bình nhấn mạnh.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp, hiện nay vẫn có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc để trưng bày sản phẩm mà không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành.
“Hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Do đó, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế” - ông Hoan nhấn mạnh, đồng thời cho biết, trong thời gian tới, để khơi thông thị trường xuất khẩu, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường truyền thống, thị trường xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...); các thị trường mới, nhiều tiềm năng (thị trường các nước Trung Đông, châu Phi...); thúc đẩy sớm ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi (thị trường Trung Quốc)… Phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Theo Báo Đại đoàn kết