Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

“Thịt lợn giá rẻ trên tivi” là do cung cầu chưa gặp nhau

TDVN 00:34 14/06/2020

Để giảm được giá thịt lợn trên thị trường, đưa về mức bình ổn ngoài việc cần đẩy nhanh tái đàn bền vững thì cần khuyến cáo người dân ăn đa dạng thực phẩm, tránh gây áp lực lên ngành hàng thịt lợn

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để giải quyết tình trạng “giá thịt lợn chỉ rẻ trên tivi” cần sớm đưa cung cầu gặp nhau. Để giảm được giá thịt lợn trên thị trường, đưa về mức bình ổn ngoài việc cần đẩy nhanh tái đàn bền vững thì cần khuyến cáo người dân ăn đa dạng thực phẩm, tránh gây áp lực lên một ngành hàng (thịt lợn).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết của nhà nước. Ảnh: TTXVN.

Chết 20% lợn do dịch làm thiếu hụt nguồn cung

Ngày 13-6, trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho rằng để tình trạng mất cân đối trong cung, cầu thịt lợn, đẩy giá thịt lợn lên cao trong gần một năm qua thì các bộ có chức năng giúp Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế như nông nghiệp, công thương phải chịu trách nhiệm về việc này.

Nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam theo hiến định là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta đang thực hiện như thế, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng việc kiểm soát giá cả là cấp bách để bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Vì vậy, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết của Nhà nước thông qua "bàn tay vô hình".

“Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ. Cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách, không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi” – đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, nguyên nhân đẩy giá thịt lợn lên cao nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu, nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải tham gia. Nếu do khâu lưu thông thì cần có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân là sau một năm rưỡi xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại 33 nước trên thế giới (bùng phát tháng 8-2018 tại Trung Quốc), làm cho tổng đàn lợn của toàn thế giới đã bị giảm 12% vào tháng 12-2019. Tại Việt Nam, mặc dù chúng ta rất cố gắng, tuy nhiên thiệt hại vẫn ở mức cao, xấp xỉ 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, giảm mất 20% số lượng. Tính về khối lượng thì bị giảm khoảng 9,6% trong tổng số 3,8 triệu tấn thịt lợn. Chính điều này là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá tăng như vừa qua.

“Vì lợn thiếu, chết 20%, do đó là chúng ta theo lộ trình thì phải phục hồi đàn. Theo kế hoạch là đến quý IV năm nay thì số đầu lợn sẽ ngang bằng 31 triệu con trước khi bị dịch. Chính vì thế quy luật cung cầu chưa gặp nhau, dẫn đến câu chuyện giá tăng” – Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến đại biểu, ngày 13-6. Ảnh: Quochoi.vn

Đẩy nhanh tái đàn bền vững, sớm đưa cung cầu gặp nhau

Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng này thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung vào một số giải pháp.

Một là phải đẩy nhanh hơn quá trình khôi phục đàn lợn, tái đàn. Tuy nhiên, khôi phục đàn, tái đàn phải bảo đảm bền vững vì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trở lại rất cao.

“Hiện nay, Trung Quốc đã có 23% bị trở lại, do đó không phải cứ tái đàn một cách bừa bãi là được” – Bộ trưởng cho biết.

Hai là khi tập trung tái đàn thì đặc biệt chú ý tới các hộ nhỏ lẻ, trang trại để vừa cung cấp đủ giống để tái đàn lại vừa phải bảo đảm an toàn tránh tái bùng phát dịch. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó khăn vì rủi ro cao trong khi con giống hiện đang rất đắt.

“Để giải quyết vấn đề này thì một mặt chúng tôi có yêu cầu 15 đơn vị lớn tại doanh nghiệp phải tập trung, không chỉ chăm lo con giống cho mình, mà phải bán, phải cung cấp dịch vụ cho thị trường, đặc biệt là người dân” – Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, đồng thời với việc đẩy nhanh tái đàn, khôi phục nguồn cung thì đồng thời cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân lựa chọn các thực phẩm đa dạng, giảm “cầu” để tránh gây áp lực lên nguồn cung.

“Không có lý gì bây giờ tập trung ăn thịt lợn, thịt gà rất tốt cũng bà con nông dân sản xuất ra, cá, tôm, trứng cũng vậy đều của nông dân. Chúng ta san sẻ rổ thực phẩm, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực một ngành hàng này” – Bộ trưởng đề xuất.

Trả lời khi được hỏi làm thế nào để sớm đưa giá thịt lợn hạ xuống bình ổn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tập trung tái đàn thật nhanh, khuyến cáo ăn đa dạng sản phẩm, tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, không lợi dụng chuyện này để tăng giá.

“Bằng nhóm giải pháp chung, cộng với công tác tuyên truyền để làm sao từng bước cho giá thịt lợn xuống mức hợp lý. Nói giá bao nhiêu thì không thể kết luận giá bao nhiêu được, nhưng làm sao cố gắng để cung cầu càng gặp nhau sớm càng ở giá phù hợp nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Theo Nhân dân

Link gốc : https://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44848102-%E2%80%9Cthit-lon-gia-re-tren-tivi%E2%80%9D-la-do-cung-cau-chua-gap-nhau.html

Bạn đang đọc bài viết “Thịt lợn giá rẻ trên tivi” là do cung cầu chưa gặp nhau tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh