Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử

TDVN 14:25 26/08/2024

Chiều 19/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm này.

Đây là lần thứ 3 sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Hành trình OCOP – Kết nối nông sản.

50 sản phẩm được tiêu thụ, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng

Hội nghị xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị nằm trong Chương trình Hành trình OCOP

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là biểu tượng của nền văn hóa và sự cần cù lao động của người dân Việt Nam. Những sản phẩm nông sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người nông dân và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.

Hội nghị Xúc tiến thương mại 2024 là một hoạt động kết nối nằm trong Hành trình OCOP nhằm tạo ra một sân chơi, một diễn đàn để các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông sản có cơ hội giao lưu, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông sản Việt. Không những thế, Hành trình OCOP mong muốn quảng bá và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của sản phẩm nông sản, từ đó thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo Ban tổ chức, sau 2 phiên xúc tiến thương mại được tổ chức vào đầu tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, đã có 50 sản phẩm của các chủ thể OCOP được đưa lên kệ của 5 chuỗi siêu thị với doanh thu ước tính gần 10 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Huê phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Ngọc Huê - Chủ tịch Thái Bình Coop, Chủ tịch An Thái Hưng Group, Người sáng lập chương trình - Trưởng Ban Tổ chức cho biết, sau 6 năm Chương trình OCOP triển khai, hiện nay, cả nước ta đã có rất nhiều sản phẩm OCOP được xây dựng thành công. Qua quá trình phát triển của các sản phẩm này, với chất lượng của sản phẩm, các sản phẩm hoàn toàn có thể xuất hiện ở các kệ siêu thị trên thế giới.

“Chương trình Hành trình OCOP được xây dựng và triển khai, chúng tôi mong muốn đây là một chương trình thực sự có chất lượng. Trong đó, Ban Tổ chức xác định sẽ xây dựng các mối kết nối đa chiều, trong đó có kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, kết nối các chuyên gia để hỗ trợ các chủ thể OCOP có được kinh nghiệm; kết nối cung cầu để doanh nghiệp có thể bán hàng được” – ông Lê Ngọc Huê nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Huê chia sẻ thêm, con số 50 sản phẩm và 10 tỷ đồng kể trên chỉ là con số ban đầu của chương trình. Chương trình Hành trình OCOP xác định sẽ không chỉ nhằm mục đích tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước mà còn kết nối để đưa sản phẩm vào thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, kết hợp cùng 1 số đơn vị xây dựng các điểm bán OCOP, các chuyến xe OCOP để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiệu quả hơn.

Tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP, tại lần thứ 3 Hội nghị xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị được triển khai, Ban Tổ chức đã mời đến hội nghị nhiều chuỗi siêu thị và các kênh thương mại điện tử để ký kết các biên bản hợp tác.

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm kinh doanh phân phối – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) cho biết, phân phối các mặt hàng nông sản là một trong những trọng tâm kinh doanh của Bưu điện Việt Nam. Hiện Bưu điện Việt Nam có mạng lưới 13.000 điểm bưu cục trên toàn quốc, luôn đồng hành cùng bà con trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam hiện đang triển khai sàn thương mại điện tử buudien.vn, tiền thân là postmart.vn, là nơi giới thiệu, quảng bá nông sản đến người tiêu dùng trong nước.

Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam đang hướng tới mô hình phối hợp cùng các chủ thể OCOP số hoá vùng trồng, đưa quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến lên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng theo dõi toàn trình. Đồng thời, nghiên cứu để mỗi địa phương sẽ có 1 điểm bán hàng OCOP, là nơi trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hoặc triển khai Chương trình Chuyến xe OCOP nhằm hợp tác, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

“Chúng tôi mong phối hợp với Ban Tổ chức Chương trình Hành trình OCOP nhằm kết hợp với các đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mong muốn kết hợp với các chủ thể để số hoá, đưa sản phẩm lên môi trường thương mại điện tử, giúp sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vượt qua biên giới Việt Nam đến với thị trường quốc tế” – ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Chương trình Hành trình OCOP và Trung tâm VNPOST đã ký Thoả thuận hợp tác chiến lược

Với mục tiêu này, Chương trình Hành trình OCOP và Trung tâm VNPOST đã ký Thoả thuận hợp tác chiến lược nhằm những cơ hội mới trong việc đưa nông sản Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của hai bên trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Sự hợp tác này sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và thời gian ngắn nhất. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta vươn xa trên thị trường toàn cầu.

Chương trình hành trình OCOP ký kết hợp tác cùng Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam

Song song với việc tiêu thụ sản phẩm, trong bối cảnh thị trường nông sản ngày càng phát triển, việc bảo vệ thương hiệu và uy tín của sản phẩm là vô cùng quan trọng. Hiểu rõ điều này, Hành trình OCOP đã ký kết hợp tác cùng Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam - một đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, đảm bảo sự minh bạch và chất lượng cho người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP trưng bày bên lề hội nghị

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Đức Huấn - Trưởng Phòng OCOP Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 6 năm vừa qua, Chương trình Mỗi xã OCOP đã đi được 1 chặng đường dài. Đến thời điểm này, Chương trình OCOP đã xây dựng được 13.500 sản phẩm tại 63 tỉnh thành phố.

“Tham dự Chương trình Hành trình OCOP, tôi rất ấn tượng với sự chuẩn bị công phu, có sự tham dự đông đảo của các chủ thể OCOP và doanh nghiệp phân phối. Qua chương trình, tôi mong rằng các chủ thể OCOP sẽ có cơ hội để thay đổi cùng với sự đồng hành của nhà sản xuất” – ông Đào Đức Huấn chia sẻ. Đồng thời, bày tỏ mong muốn chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường trong nước và thế giới.

Tại hội nghị lần này, Chương trình Hành trình OCOP ký kết với 27 siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng thu mua nông sản của Việt Nam để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Ông Lê Ngọc Huê chia sẻ, bên cạnh các sản phẩm được trực tiếp đưa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng ngay sau khi hội nghị kết thúc, với các sản phẩm khác, các đơn vị cũng sẽ đồng hành với các chủ thể OCOP để hướng dẫn chủ thể hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, tiêu chuẩn… nhằm giúp sản phẩm đủ điều kiện đưa vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ.

Theo Báo Công Thương

Link gốc : https://congthuong.vn/mo-canh-cua-cho-san-pham-ocop-vao-sieu-thi-chuoi-ban-le-san-thuong-mai-dien-tu-340081.html

Bạn đang đọc bài viết Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử tại chuyên mục Truyền hình tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Truyền hình tiêu dùng