Để thu hút khách du lịch, xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) giữ gìn bản sắc văn hóa Mường thông qua các tiết mục văn nghệ.
Sự huyền bí của những nàng công chúa
Trước đây, tôi chỉ khám phá hồ Hòa Bình bằng những chuyến du xuân chiêm bái đền chúa Thác Bờ vào dịp đầu năm. Ấn tượng của tôi về hồ Hòa Bình là mênh mông của sông nước, sự kiên cường của những hòn đảo nằm giữa hồ quanh năm chống chọi với Mẹ thiên nhiên; là sự tấp nập, chen chúc của dòng người khắp mọi nơi đổ về cầu may, cầu lộc, cầu tài tại đền Bờ. Tuy nhiên, sau những chuyến đi công tác cùng Sở VH-TT&DL, được ghé thăm và trải nghiệm cuộc sống của người dân ven hồ đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Những xóm, bản như những nàng công chúa với vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng chưa được chàng hoàng tử nào tới đánh thức. Vào một ngày, khi những chuyến tàu du lịch trở các đoàn khách từ phương xa tới đã đánh thức, làm tỉnh giấc ngủ của các nàng công chúa. Ở vùng lòng hồ Hòa Bình, mỗi xóm, bản mang đến cho du khách một trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo riêng. Xóm, bản ven hồ Hòa Bình hội tụ toàn bộ những tinh hoa văn hóa của xứ Mường.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Thị Niềm chia sẻ: Khu du lịch hồ Hòa Bình nằm trong khu vực hồ thủy điện Hòa Bình, là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m3 nước. Hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác, nhiều đảo đá vôi đứng sừng sững giữa mặt nước mênh mông, những đảo đất quanh năm cây cối xanh tươi hấp dẫn. Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Đây là cơ hội lớn để các xóm, bản hồ Hòa Bình níu chân du khách và cũng chính khách du lịch trong, ngoài nước là những người bạn luôn đồng hành cùng các xóm, bản ven hồ để giữ gìn và quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa người dân bản địa.
Lòng hồ mênh mông nhưng không vì thế làm cho khách du lịch cảm thấy xa lạ bởi những quả đồi, núi đất giờ được phủ xanh bằng nương ngô, nương sắn tươi tốt của người dân. Những xóm, bản ven hồ không còn đìu hiu mà thay vào đó là cảnh tấp nập của tàu thuyền đậu bến. Nếp nhà sàn của người dân được thiết kế hướng ra mặt hồ để đón cơn gió mát lành tạo nên khung cảnh bình yên. Theo thời gian, trong không gian sinh sống của đồng các các dân tộc Mường, Thái, Dao… vẫn giữ nguyên được những bản sắc trong văn hóa.
Hồ Hòa Bình thơ mộng, hữu tình thuộc địa phận xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc).
Những bản làng của người Mường nằm ven hồ Hòa Bình luôn chứa đựng sức hấp dẫn diệu kỳ bởi sự đặc sắc trong phong tục, tập quán tiêu biểu cho nền văn hóa xứ Mường Hòa Bình. Từ khi được quy hoạch nằm trong khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, người dân sống tại bản Ngòi, xóm Ké, xóm Đức Phong... luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Du khách đến khám phá các xóm, bản của người Mường sẽ cảm nhận được sự mến khách, sống chan hòa với thiên nhiên của người dân. Khách du lịch sẽ được tìm hiểu đời sống văn hóa của người Mường trong từng nếp nhà sàn với những phong tục, tập quán cổ xưa được lưu giữ. Đó là làn điệu dân ca Mường, màn diễn xướng Mo Mường hay màn trình diễn chiêng Mường đặc sắc của các mế, các chị… Không chỉ có vậy, du khách còn được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng người dân như: nuôi cá lồng, bắt cá trên sông Đà; khám phá những hang động karst, đi rừng, đua bè mảng, chèo thuyền kayak... Dường như ranh giới giữa chủ và khách không còn, tất cả cùng vào bếp chế biến món ăn truyền thống của người Mường như: cá nướng, gà nấu măng chua, xôi ngũ sắc... Khi màn đêm buông xuống, họ lại tay trong tay bên đống lửa nhảy sạp, uống rượu cần.
Rời những xóm, bản của người Mường, chúng ta có thể tới khám phá, tìm hiểu xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) với văn hóa đặc trưng của người Dao Tiền. Xóm Sưng ở độ cao 530 m so với mực nước biển, phía sau lưng là dãy núi Biều hùng vỹ, phía trước là ruộng bậc thang uốn lượn trải dài theo sườn đồi. Xóm có 75 hộ dân với 100% là người Dao. Cộng đồng người Dao trong xóm vẫn giữ nguyên những ngôi nhà đất trệt lợp lá cọ truyền thống. Các nghề truyền thống cũng được bảo tồn và duy trì như: nghề dệt, nhuộm chàm, thêu hoa văn váy, áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong... Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên; tìm hiểu, khám phá và cùng người dân sinh hoạt, chế biến ẩm thực. Được các chị, các mẹ tỉ mỉ hướng dẫn thêu thổ cẩm.
Ấm áp yêu thương bên những thượng khách
Khi mùa xuân đến, sương bay bảng lảng, hoa đào chúm chím khoe sắc, những xóm, bản ven hồ nhộn nhịp hơn. Giờ đây, Tết đối với người dân ven hồ không chỉ là Tết riêng của từng gia đình, từng xóm mà là Tết của sự sẻ chia, gắn bó của người dân bản địa dành cho khách du lịch. Có nhiều đoàn khách lựa chọn đón Tết tại các xóm, bản ven hồ Hòa Bình để được trải nghiệm không khí đón xuân cùng người dân. Được trải nghiệm khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời trong không gian mênh mang sông nước kết hợp với sự hùng vỹ của núi rừng Tây Bắc. Chính vì vậy, để tạo sự đầm ấm trong ngày Tết, những người đàn ông trong xóm, bản thì lo thịt lợn, đánh những mẻ cá tươi, ngon. Các mế, các mẹ tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng. Các chàng trai, cô gái phấn khởi chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đặc sắc... Tất cả tạo nên một không khí đón xuân thật ấm áp.
Chị Lò Thị Trang, chủ homestay điểm du lịch Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, hầu như Tết Nguyên đán nào cũng có những đoàn khách ở lại ăn Tết cùng người dân. Để tạo không khí xuân ấm cúng, quây quần cho du khách, gia đình tôi cùng khách cùng gói bánh chưng. Đêm giao thừa, bên ánh lửa bập bùng, mọi người ngân nga những bài hát chúc mừng năm mới; cùng uống rượu cần, nhảy sạp. Khi đã chuếnh choáng men say của rượu, của tình người, mọi người cùng nhau chia sẻ những dự định trong năm mới.
Với những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền địa phương các xóm, bản làm du lịch cộng đồng trong khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã và đang chinh phục trái tim du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm. Từ đó, cuộc sống của bà con vùng hồ ấm no, hạnh phúc và luôn căng tràn nhựa sống.
Theo Văn hiến