Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Sản phẩm hữu cơ nào an toàn cho cơ thể?

VIETQ 11:22 27/09/2020

Sản phẩm hữu cơ nở rộ trên thị trường, làm sao để chọn hàng 'chuẩn'?

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay, khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn và chất lượng ngày càng phát triển. Để đáp ứng nhu cầu đó, trên thế giới và cả ở Việt Nam, thực phẩm hữu cơ đã và đang xuất hiện nhiều ở các cửa hàng thực phẩm và dần đi vào bữa ăn của một bộ phận người có thu nhập cao, do đa phần giá thành của các thực phẩm này khá cao so với thực phẩm bình thường.

Sản phẩm hữu cơ (organic products) hay còn gọi là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (products from organic agriculture) là sản phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến bao gói phù hợp với các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Và thực phẩm hữu cơ nói riêng là thực phẩm được sản xuất theo các phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Có 2 dạng thực phẩm hữu cơ gồm: Thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ động vật và thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ thực vật.

Để nhận biết sản phẩm đạt chứng nhận “sản phẩm hữu cơ”, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung như: Nhãn sản phẩm phải có thông tin về nhà sản xuất, đóng gói hoặc phân phối và tên gọi hoặc mã số đơn vị chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ; Sản phẩm đã được chứng nhận sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ mới được ghi nhãn liên quan đến cụm từ “hữu cơ”.

Bên cạnh đó, việc ghi nhãn phải đáp ứng các quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm. Cụ thể như, chỉ công bố sản phẩm là “100% hữu cơ” khi sản phẩm có chứa 100% thành phần cấu tạo là hữu cơ; Sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ mã số giấy chứng nhận, ngày cấp, tên đầy đủ hoặc tên viết tắt, mã số của tổ chức chứng nhận; Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có nhãn không đáp ứng đầy đủ quy định tại Nghị định này thì phải có nhãn phụ theo quy định.

Trước đó, vào cuối năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố ban hành bộ tiêu chuẩn TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn này có hiệu lực bắt đầu từ 29/12/2017. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ vừa được công bố quy định cụ thể về các lĩnh vực: Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ; Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ; Nông nghiệp hữu cơ – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ

Theo bà Hà, việc xây dựng các TCVN nêu trên thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (CODEX, IFOAM), quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN), tiêu chuẩn nước ngoài của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay tiêu chuẩn của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…, đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến.

Mặt khác, để phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia đã tổ chức khảo sát, khảo nghiệm tiêu chuẩn tại một số cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ và định hướng hữu cơ và có sự góp ý cho dự thảo TCVN cho các tiêu chuẩn này.

Riêng về tiêu chuẩn Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ, bà Hà cho biết, tiêu chuẩn này được xây dựng với mục tiêu chính là đưa ra yêu cầu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn TCVN về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển và áp dụng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm hữu cơ phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, giảm cho phí cho doanh nghiệp và thiết thực trong việc nâng cao năng suất chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Cùng với hiệu lực của bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, Bộ KH&CN cũng ra quyết định hủy bỏ tiêu chuẩn TCVN 11041: 2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiêp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước mới có vài chục cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Quảng Trị, Hòa Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Cà Mau, Lâm Ðồng, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Trà Vinh…) với tổng diện tích khoảng bốn nghìn héc-ta. Các cây chủ yếu là dừa, chè, lúa và rau. Trong số đó, Bến Tre có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất với hơn ba nghìn héc-ta, chủ yếu là dừa. Các mô hình chăn nuôi khá hiệu quả như nuôi cá ba sa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10 nghìn héc-ta xuất khẩu sang EU.

Việc ban hành bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia. Bộ tiêu chuẩn sẽ đóng vai trò quan trọng cho nền sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững

Bạn đang đọc bài viết Sản phẩm hữu cơ nào an toàn cho cơ thể? tại chuyên mục Dư địa chí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dư địa chí