Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Cảnh báo không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà, dễ gây biến chứng

TDVN 19:55 22/06/2020

Việc phát hiện sớm sốt xuất huyết để điều trị kịp thời là rất quan trọng, tránh để bệnh chuyển nặng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý dùng thuốc, điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết tại khu dân cư. Ảnh: TTXVN

Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền bệnh, có các biểu hiện nhẹ thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người… những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm, người bệnh chủ quan, rất dễ bị biến chứng nặng. Các trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc, suy tạng, thậm chí tử vong.

Việc phát hiện sớm mắc sốt xuất huyết để điều trị kịp thời là rất quan trọng, tránh để bệnh chuyển nặng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý dùng thuốc, điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, trong đó paracetamol và các biệt dược của paracetamol là loại được khuyến cáo dùng để hạ sốt, giảm đau trong điều trị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý dùng những thuốc hạ sốt, giảm đau chống chỉ định với bệnh sốt xuất huyết như: Aspirin, mefenamic acid, ibuprofen... Tuy những thuốc này có chức năng hạ sốt nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu, khi dùng để điều trị sốt xuất huyết sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu.

Bên cạnh đó, người mắc sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch tại nhà. Việc truyền dịch tùy tiện, nhất là trong giai đoạn hồi phục của sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân sốt xuất huyết cần uống nhiều nước bù điện giải như oresol, nước trái cây… Tuy nhiên, khi pha oresol, cần chú ý pha đúng liều lượng, nếu pha ít nước hơn so với hướng dẫn dễ dẫn đến tình trạng rối loạn nước điện giải. Đặc biệt, bệnh nhân cũng không nên uống quá nhiều trong giai đoạn hết sốt, dễ gây hiện tượng thừa nước, có thể dẫn đến phù phổi cấp.

Cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Trong thời gian đầu mắc bệnh, các triệu chứng lâm sàng của bệnh giống với các bệnh sốt virus thông thường, do vậy người dân rất dễ chủ quan không điều trị hoặc tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến bệnh trở nặng.

Bộ Y tế khuyến cáo, nếu có biểu hiện sốt cao nghi ngờ sốt xuất huyết, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Hiện nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết đã được phổ biến rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở. Người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Theo Báo tin tức

Link gốc : https://baotintuc.vn/dich-benh/khong-tu-y-dieu-tri-sot-xuat-huyet-tai-nha-de-gay-bien-chung-nang-20200622111318251.htm

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà, dễ gây biến chứng tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo