Số người nhiễm Covid-19 gây ra trên thế giới đã vượt 330.000 ca. (Ảnh minh họa. Nguồn: The New York TImes) |
Ngày 22/3, Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul cho biết, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, là thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố mắc bệnh này.
Theo số liệu mới đây của CNN, hiện có ít nhất 29.235 người nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ và 371 ca tử vong.
Cùng ngày, Tổng thống Trump đã ra một tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Washington và đề nghị sự hỗ trợ liên bang đối với các địa phương, bộ tộc da đỏ và các bang nhằm đối phó sự bùng phát của dịch Covid-19.
Bang Washington sẽ có được hỗ trợ của các cơ quan liên bang trong việc huy động mọi nguồn lực để ứng phó với dịch Covid-19 cũng như giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng khôi phục tình hình sau dịch.
Tổng thống Trump cũng chỉ thị triển khai các trạm y tế khẩn cấp có sức chứa 4.000 giường bệnh tới các điểm nóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn nước Mỹ, bao gồm bang New York 1.000 giường, tại California với 2.000 giường và tại bang Washington 1.000 giường.
Ngoài ra, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ hiện huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là tất cả người dân Mỹ phải tuân theo hướng dẫn liên bang về giữ khoảng cách tiếp xúc.
* Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết sẽ ban hành lệnh phong tỏa bắt buộc trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 19 ngày, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 25/3 cho tới hết ngày 13/4, nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Ông Duque đồng thời khẳng định đây là một quyết định thận trong và được các chuyên gia đánh giá một cách kỹ lưỡng nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Trước đó chính phủ Colombia cũng đã ra lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh đối với các chuyến bay từ nước ngoài.
Theo thống kê chính thức, đến nay, Colombia đã ghi nhận 231 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
* Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, Thủ tướng Angela Merkel đang phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm SARS-CoV-2 hôm 20/3.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang ở Đức ngày 22/3 đã họp trực tuyến và nhất trí một số điểm cụ thể trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2 bao gồm: Cơ bản cấm tụ hội trên 2 người, ngoại trừ là trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,5m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ ăn mang về; đóng cửa các cơ sở dịch vụ chăm sóc cá nhân như hiệu tóc, xưởng làm đẹp, ngoại trừ các cơ sở điều trị cần thiết về y tế; lực lượng trật tự và cách sát sẽ giám sát và trừng phạt nặng những trường hợp vi phạm lệnh hạn chế tiếp xúc; duy trì các quy định về vệ sinh dịch tễ ở các nhà máy, xí nghiệp đối với nhân viên và khách thăm. Các biện pháp này sẽ được duy trì trước mắt trong 2 tuần.
Trước đó nhiều bang ở Đức đã áp đặt các quy định hạn chế tiếp xúc nêu trên. Tính đến 19h ngày 22/3 theo giờ Đức, nước này đã ghi nhận 24.806 trường hợp bị nhiễm virus và 93 ca tử vong. Thủ đô Berlin ghi nhận trên 1.000 trường hợp nhiễm và 1 ca tử vong.
* Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 22/3, nước này ghi nhận thêm 5.560 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 59.138 trường hợp. Số ca tử là 5.476 trường hợp (tăng 651 ca). Có 7.024 ca hồi phục (tăng 952 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 19.846 ca nhập viện, 3.009 ca phải điều trị tích cực và 23.783 ca cách ly tại nơi ở.
Bộ Nội vụ và Bộ Y tế Italy ngày 22/3 cũng đã ban hành quy định liên bộ nghiêm cấm các phương tiện di chuyển giữa các thành phố, thị trấn trên phạm vi cả nước, bao gồm cả các xe công vụ.
* Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nước này hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tương tự như Italy nếu người dân không tuân thủ một cách có trách nhiệm những khuyến cáo của Chính phủ về giữ khoảng cách xã hội an toàn.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh tính đến tối 22/3, trên toàn Vương quốc Anh đã có 281 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong tổng số 5.683 ca dương tính, trong đó riêng trong ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 48 ca tử vong, gồm cả một ca mới 18 tuổi. Đây là trường hợp được ghi nhận là ca tử vong trẻ nhất tại Anh vì Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tối 22/3 theo giờ địa phương, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày từ Văn phòng Thủ tướng để cập nhật tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh chính phủ sẽ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, như lệnh giới nghiêm trong vòng 24 giờ tới nếu người dân không chấp hành các biện pháp hạn chế tiếp xúc và đi lại.
Cũng trong tối 22/3, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh NHS chính thức khuyến cáo 1,5 triệu dân thuộc nhóm dễ tổn thương vì Covid-19 phải tự cách ly trong vòng 3 tháng tới và hạn chế tối đa các hoạt động đi lại, giải trí và mua sắm. Nhóm này bao gồm các bệnh nhân đang điều trị ung thư, những người có các bệnh mãn tính về hô hấp và bệnh nhân ghép tạng.
Chính phủ Anh đang thiết lập các trung tâm hỗ trợ trải đều trên toàn vương quốc với sự tham gia của nhân viên xã hội địa phương, nhà thuốc, siêu thị và quân đội để bảo đảm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men cho nhóm bệnh nhân dễ tổn thương này. Đây được xem là biện pháp cần thiết vì tất cả hơn 100 ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại Anh trong dịp cuối tuần qua đều thuộc nhóm dễ tổn thương và có bệnh nền.
* Tối 22/3, Bộ Y tế Ai Cập thông báo có thêm 33 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 327. Trong khi đó, số ca tử vong do SARS-CoV-2 trong ngày cũng ghi nhận thêm 4 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên 14. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất tại Ai Cập kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Cùng ngày, Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi khẳng định, Ai Cập đang triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ để đối phó với dịch Covid-19 và không hề che dấu về các trường hợp nhiễm bệnh.
Tổng thống Ai Cập El-Sisi đồng thời kêu gọi người dân nước này thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, cam kết và nghiêm túc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp mà quốc gia Bắc Phi đang triển khai để hạn chế sự lây lan dịch Covid-19.
Ông El-Sisi kêu gọi người dân không đổ xô mua sắm tích trữ hàng hóa, tự tạo ra sức ép tài chính đối với bản thân, khẳng định Ai Cập có đủ nguồn dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm cho ít nhất 3 tháng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ai Cập cũng thông báo Ngân hàng Trung ương Ai Cập sẽ phân bổ 20 tỷ Bảng Ai Cập (1,28 tỷ USD) để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế nước này.
Trước đó, chính phủ Ai Cập đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, như tạm dừng hoạt động giao thông đường không, giảm số lượng công chức tại các công sở, đóng cửa các trường học, thánh đường Hồi giáo và nhà thờ, cũng như tung ra một số gói giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng ngày, nhiều nghị sĩ Quốc hội Ai Cập đã lên tiếng kêu gọi áp dụng lệnh giới nghiêm cục bộ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong khi đó, Nội các Ai Cập kêu gọi người dân chỉ tham khảo các nguồn thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 và thận trọng trước các tin đồn trên mạng xã hội.
* Bộ Y tế Algeria cho biết ghi nhận thêm 62 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm bệnh trong cả nước lên 201. Trong số đó, 17 người đã tử vong. Ngoài ra, 340 trường hợp nghi nhiễm vẫn đang trong quá trình chờ đợi kết quản xét nghiệm.
Bộ trưởng Y tế Abderrahmane Benbouzid tuyên bố, Algeria đã chuyển sang giai đoạn 3 của dịch Covid-19 khi số người nhiễm bệnh tăng nhanh đột biến, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân Algeria cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
* Theo báo cáo tạm thời của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) công bố ngày 22/3, tổng cộng có 1.198 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại 41 quốc gia ở châu lục này.
CDC Châu Phi cho biết thêm, trong số các ca nhiễm này, 37 trường hợp đã ghi nhận tử vong và xảy ra ở 7 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Ai Cập, Nam Phi, Algeria và Morocco. Ngoài ra, 108 người mắc bệnh Covid-19 trên toàn châu lục đã được điều trị khỏi bệnh và bình phục tốt.
Trước đó, ngày 19/3, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết, tổ chức này đang tập trung vào một chiến lược 3 trụ cột để chống lại sự lây lan của Covid-19 trên toàn lục địa, bao gồm phòng ngừa, ngăn chặn sự gia tăng số lượng người chết và ngăn ngừa thiệt hại xã hội.
Ông cũng nói thêm rằng CDC châu Phi tạo điều kiện cho việc xét nghiệm hàng loạt trên khắp lục địa như là một phần của kế hoạch chung để ngăn ngừa sự lây lan của Sars-CoV-2.
Tính đến 7h sáng ngày 23/3, tại Việt Nam ghi nhận 113 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 16 ca nhiễm trong giai đoạn 1 từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi hoàn toàn. Trong số 97 ca nhiễm Covid-19 trong giai đoạn 2, 1 bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn. 96 ca khác đang được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước. Có 645 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, 52.790 ca tiếp xúc với các ca nghi nhiễm và đi từ vùng dịch về đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tập trung hoặc tại nơi lưu trú. |
Theo Báo Quốc tế