Vào ngày thứ 7 cuối tháng 2, Danni Askini bắt đầu cảm thấy đau ngực, khó thở và đau nửa đầu nên cô đã gọi cho bác sĩ tư, người đang giúp cô điều trị căn bệnh ung thư hạch bạch huyết (một loại của ung thư máu). Cho rằng Danni có phản ứng không tốt với thuốc nên vị bác sĩ này đã chuyển cô tới phòng cấp cứu ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Danni bị viêm phổi và kê thuốc rồi để cô về nhà.
Trong vài ngày tiếp theo, Danni cảm thấy thân nhiệt cô tăng giảm bất thường một cách nguy hiểm và cô còn ho ồng ộc vì phổi bị tích nước. Sau 2 lần phải cấp cứu trong tuần đó, đến ngày thứ 7 Danni mới được làm xét nghiệm.
Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được phần nào triệu chứng như của bệnh cảm lạnh và viêm phổi, Danni một lần nữa lại được các bác sĩ cho về nhà mặc dù cô chưa nhận được kết quả xét nghiệm. 3 ngày sau, kết quả xét nghiệm mới trả về và Danni được chẩn đoán nhiễm COVID-19.
Vài ngày sau đó, Danni nhận được hóa đơn xét nghiệm và điều trị bệnh. Con số ghi trong tờ giấy khiến Danni choáng ngợp không thể nói thành lời vì tổng số tiền cô phải trả chính xác là $34.927,43 (hơn 811 triệu đồng). “Tôi thực sự rất sốc. Tôi không quen biết ai có số tiền lớn đến vậy“, Danni nói.
Giống như 27 triệu người dân Mỹ khác, Danni không có bảo hiểm khi nhập viện. Danni và chồng đã lên kế hoạch đến Washington, D.C vào tháng này để kiếm một công việc mới nhưng chưa thể bắt đầu. Và bây giờ, các kế hoạch đó chắc chắn phải dừng lại.
Hiện Danni đã nộp đơn cho Medicaid, chương trình cứu trợ tại Mỹ cho những người có thu nhập thấp, và hy vọng họ sẽ giúp cô chi trả hóa đơn khổng lồ kia. Nếu không, Danni sẽ phải gánh trên vai khoản nợ mà không biết bao giờ cô mới trả hết.
Khi Mỹ là ổ dịch thứ 3 trên thế giới với 348 người tử vong và 26.888 người nhiễm COVID-19 tính đến 13h30 ngày 22/3, Danni sẽ không là trường hợp duy nhất lâm vào cảnh khốn cùng khi phải đối mặt với hóa đơn chữa trị khổng lồ. Các chuyên gia y tế công cộng dự đoán rằng, hàng chục ngàn người hoặc thậm chí là hàng triệu người trên khắp nước Mỹ sẽ phải nhập viện vì COVID-19. Và dĩ nhiên, Quốc hội vẫn chưa thể giải quyết tình trạng này.
Ngày 18/3, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Family First Coronavirus Response Act (Đạo luật ứng phó với Corona và đặt các gia đình là ưu tiên cao nhất), trong đó có nhắc tới việc chính phủ Mỹ sẽ chi trả chi phí xét nghiệm nhưng đạo luật này lại không đề cập đến chi phí điều trị.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hầu hết những người nhiễm COVID-19 không cần phải nhập viện và có thể hồi phục ngay tại nhà, nhưng những người cần đến phòng chăm sóc đặc biệt sẽ phải đối mặt với những hóa đơn lớn hơn của Danni rất nhiều, bất kể họ có bảo hiểm gì đi chăng nữa. Chính phủ Mỹ đang cố gắng tạo các gói cứu trợ để làm giảm gánh nặng kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhưng chắc chắn rằng việc này không thể “lấp đầy” những hậu quả do virus corona gây ra.
Chi phí nhập viện điều trị COVID-19 ở Mỹ là bao nhiêu?
Do hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ không đồng nhất nên chi phí điều trị sẽ phụ thuộc vào việc bạn có bảo hiểm hay không, loại bảo hiểm đang có và số tiền khấu trừ. Một báo cáo mới từ Tổ chức Y Tế Phi chính phủ Kaiser Family Foundation tại Mỹ ước tính, chi phí trung bình để điều trị COVID-19 cho một bệnh nhân có bảo hiểm lao động và bệnh không biến chứng rơi vào khoảng $ 9,763 (gần 227 triệu đồng). Trường hợp có biến chứng, hóa đơn điều trị sẽ tăng gấp đôi $ 20,292 (hơn 471 triệu đồng).
Bệnh nhân sẽ phải trả bao nhiêu trong số đó?
Hầu hết các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ chi trả các dịch vụ cần thiết để điều trị các biến chứng của virus corona, nhưng không bao gồm khoản khấu trừ, tức chi phí bệnh nhân phải trả trước khi bảo hiểm được áp dụng. Hơn 80% người có bảo hiểm lao động ở Mỹ có khoản khấu trừ và mức trung bình mỗi năm của một người là khoảng $ 1.655 (gần 38,5 triệu đồng).
Với bảo hiểm cá nhân, chi phí sẽ cao hơn. Khoản khấu trừ trung bình của một người vào năm 2019 là $ 5,861 (hơn 136 triệu đồng). Tuy nhiên, nhìn chung bệnh nhân có bảo hiểm sẽ phải chi trả hơn $1,300 (hơn 30,2 triệu đồng), bất kể là có biến chứng hay không vì đa số bệnh nhân nhập viện sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn thế.
Nếu không có bảo hiểm, bệnh nhân bắt buộc phải tự bỏ tiền túi ra để trả tiền viện phí. Việc điều trị tại bệnh viện thường sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với phòng khám của bác sĩ, bởi nhiều bệnh viện sẽ tính phí cơ sở vật chất một khi bệnh nhân tới bệnh viện. Cụ thể, trong lần khám đầu tiên tại bệnh viện ở Boston vào ngày 29/2, Danni đã phải trả $1,804 (gần 42 triệu đồng) tiền cấp cứu và $3,841.07 cho phí dịch vụ khác (hơn 89 triệu đồng).
Việc chi phí chăm sóc sức khỏe ở Mỹ cao bậc nhất thế giới là điều không còn mới mẻ gì và điều này khiến hàng ngàn người phải ngừng chăm sóc y tế vì chi phí quá đắt đỏ. Tuy nhiên, khi đại dịch càn quét nước Mỹ, vấn đề cũ này sẽ trở nên cấp bách hơn. Nhiều người ở Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với những hóa đơn điều trị khổng lồ hoặc tìm cách ngăn chặn điều đó bằng cách né tránh làm xét nghiệm và điều trị, khiến tình hình dịch bệnh lan rộng hơn.
Theo Time.com