Trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi khắp thị trường với quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn tinh vi, Chính phủ đã có chỉ đạo mạnh mẽ nhằm đẩy lùi tận gốc nạn buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây không chỉ là cuộc chiến chống vi phạm, mà còn là lời tuyên bố: không thỏa hiệp với hàng giả.
Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Ảnh: Trần Việt (Nguồn: Báo Tiêu Dùng )
Hành động đồng bộ từ Trung ương đến địa phương
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch cụ thể, yêu cầu các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và doanh nghiệp vào cuộc đồng bộ. Mỗi ngày là một cao điểm kiểm tra, xử lý. Từ đó, tạo nên hệ thống giám sát chặt chẽ, không để “khoảng trống” trong quản lý, xử lý nhanh các sai phạm ngay khi mới manh nha.
Không chỉ kiểm tra, xử phạt, cuộc chiến chống hàng giả còn đòi hỏi tư duy mới: lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, huy động sức mạnh tổng hợp để hình thành một "lá chắn" toàn diện chống lại hàng gian, hàng nhái.
Hàng giả ngày càng tinh vi, pháp luật cần theo kịp
Lợi dụng kẽ hở trong pháp luật, các đối tượng làm giả đã tiến hành hoạt động phân tán, núp bóng doanh nghiệp, ẩn mình trong môi trường thương mại điện tử để tránh bị truy vết. Một số vụ việc còn cho thấy sự móc nối với cá nhân trong cơ quan chức năng để hợp pháp hóa sản phẩm.
Pháp luật đang được hoàn thiện, nhưng thực tế vẫn luôn đi trước. Trong khi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, thì lực lượng thực thi vẫn còn mỏng, chế tài chưa đủ mạnh, khiến việc xử lý thường chỉ dừng lại ở phần ngọn.
Người tiêu dùng: Phòng tuyến đầu tiên
Gian thương thường đánh vào tâm lý "ham rẻ", khiến người tiêu dùng dễ rơi vào bẫy hàng kém chất lượng. Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, người dân cần tự trang bị kiến thức, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm và người bán, ưu tiên mua hàng ở địa chỉ tin cậy, không giao dịch mập mờ. Khi nghi ngờ vi phạm, nên kịp thời báo với cơ quan chức năng và chia sẻ cảnh báo đến cộng đồng.
Chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên chỉ nhìn vào giá, mà phải xem xét kỹ nguồn gốc, nhãn mác, hóa đơn, thông tin đơn vị bán hàng. Đây vừa là cách bảo vệ quyền lợi cá nhân, vừa góp phần chặn đứng nguồn tiêu thụ của hàng giả.
Công nghệ và liên kết dữ liệu là chìa khóa
Để theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã ứng dụng công nghệ AI, blockchain vào công tác giám sát và kiểm tra hàng hóa. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử lớn đã ký cam kết loại bỏ hàng giả khỏi hệ thống. Song nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục dễ dãi, thỏa hiệp, nỗ lực của cơ quan chức năng cũng khó phát huy hiệu quả triệt để.
TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, cần xây dựng hệ thống giám sát thị trường có kết nối liên thông giữa các cơ quan, để sớm phát hiện vi phạm và có biện pháp "phòng" hơn là "chống".
Không khoan nhượng, không đi một mình
Nhiều doanh nghiệp đang chủ động bảo vệ thương hiệu và chung tay chống hàng giả, nhưng sự nỗ lực này sẽ khó đi xa nếu thiếu sự phối hợp của lực lượng chức năng và sự tỉnh táo của người tiêu dùng. Bài toán đặt ra không chỉ là xử lý, mà còn là thay đổi nhận thức ở cả người bán, người mua và người quản lý.
Chống hàng giả là một cuộc chiến lâu dài, phức tạp và cần sự đồng lòng. Để làm sạch thị trường, không ai được đứng ngoài cuộc. Cơ quan chức năng phải quyết liệt, doanh nghiệp cần trách nhiệm, và người tiêu dùng cần tỉnh táo và không thỏa hiệp. Chỉ như vậy mới có thể triệt tiêu tận gốc hàng giả, bảo vệ quyền lợi chính đáng và xây dựng thị trường minh bạch, lành mạnh.