Hà Nội, Thứ Ba Ngày 05/11/2024

Dùng lại thức ăn thừa, hiểm họa cho sức khỏe

Bích Huyền 14:24 11/10/2024

Thực phẩm ngày càng tăng giá khiến việc tái sử dụng thức ăn thừa trong gia đình trở nên phổ biến, nhưng điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe mà ít ai chú ý.

Gần đây, những vụ việc liên quan đến sử dụng thức ăn thừa đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm trong cộng đồng. Điển hình là sự phản ánh của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội về việc bị phục vụ cơm canh thừa trong quá trình học giáo dục quốc phòng. Tương tự, các trường hợp tại Thái Bình, Khánh Hòa và Bình Định cũng ghi nhận các trường hợp các quán ăn tái sử dụng thức ăn thừa của khách trước đó. Điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Nguy cơ lớn nhất từ việc tái sử dụng thức ăn thừa không chỉ là ngộ độc thực phẩm mà còn là lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng nhiều bệnh như cúm, sởi, thủy đậu, rubella, lao, thậm chí là viêm màng não mô cầu có thể lây lan qua đường này. Khi sử dụng thức ăn mà người khác đã dùng qua, vi khuẩn và virus từ người ăn trước có thể truyền sang người ăn sau, gây ra các bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là trong môi trường đông người như các quán ăn, nhà hàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo người dân chỉ nên tái sử dụng thức ăn thừa nếu chưa bị "động đũa" và được bảo quản đúng cách. Ông nhấn mạnh, thức ăn đã qua sử dụng chung cần loại bỏ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Thức ăn nấu chín để lâu trong môi trường ngoài dễ bị vi sinh vật tấn công, làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus và gây ngộ độc thực phẩm nếu không được bảo quản kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, việc bảo quản thức ăn đúng cách là vô cùng quan trọng. Theo các chuyên gia, thức ăn nên được giữ trong tủ lạnh với nhiệt độ phù hợp cho từng loại thức ăn và khi hâm nóng để dùng lại, cần phải đun kỹ. Đối với những thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản và trứng, việc tính toán lượng thực phẩm vừa đủ để chế biến trong ngày là điều cần thiết nhằm đảm bảo độ tươi ngon và an toàn.

Việc đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm là yếu tố quan trọng trong việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Người dân cần chú ý đến nguồn gốc của thực phẩm, rửa sạch rau quả và đặc biệt là không ăn thức ăn đã bị hỏng, ôi thiu. Thói quen ăn chín, uống sôi cùng với việc rửa tay sạch trước khi chế biến và dùng bữa cũng là những biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Dùng lại thức ăn thừa, hiểm họa cho sức khỏe tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng