Vừa qua, Tổ thương mại điện tử (TMĐT) thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT) - Tổng cục QLTT đã bất ngờ kiểm tra Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali và tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu, kinh doanh chủ yếu qua các nền tảng Tiktok và Facebook. Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali ở tầng 1, tòa nhà Eco Green, số 286 Nguyễn Xiển, TP Hà Nội - nơi công ty này sử dụng để tổ chức bán hàng online và livestream.
Tổng cục QLTT thông tin, các sản phẩm nước hoa thuộc nhiều nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris… không có nhãn phụ tiếng Việt và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Một số sản phẩm còn có mã vạch với đầu số “697” - dấu hiệu của hàng nhập lậu. Trong quá trình kiểm tra, công ty này chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng chưa thể cung cấp hóa đơn, chứng từ hợp lệ cho lô hàng nước hoa này.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, đây là một trong những vụ việc lớn gần đây liên quan đến các “hot Tiktoker” bán hàng, nổi bật là tài khoản “Phan Thủy Tiên” với hơn 4 triệu người theo dõi trên Tiktokshop, liên tục livestream bán nước hoa.
Các loại nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn phụ. |
Điểm đáng chú ý tại tổng kho bán nước hoa online này là các nhân viên ở đây tham gia rất tích cực vào hoạt động “cày view” cho các video giới thiệu sản phẩm trên Tiktok và Facebook. Hoạt động này bao gồm việc sử dụng các máy tính được bố trí bài bản để tạo ra lượt xem ảo, tăng sự thu hút giả tạo cho các video quảng cáo.
Những lượt xem ảo này giúp các video trông có vẻ thịnh hành hơn, được quan tâm hơn, qua đó thu hút nhiều khách hàng thật sự.
Đại diện Tổng cục QLTT cảnh báo, điều này đặt ra vấn đề về tính trung thực trong kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, khi nhiều người tiêu dùng có thể bị lừa bởi những con số lượt xem không phản ánh đúng chất lượng sản phẩm. Hiện đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục phân loại, kiểm đếm và niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm để điều tra, xử lý theo quy định.
Trước nhu cầu sử dụng nước hoa tăng mạnh, nhiều đối tượng đã lợi dụng đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm giá rẻ, nhái thương hiệu uy tín hay không rõ nguồn gốc hòng bán được hàng để trục lợi cho bản thân. Vấn đề này không những khiến cho tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ con người.
Các nhà chuyên môn, cho rằng nước hoa giá rẻ có thể là hàng giả, hàng nhái thương hiệu, không có công thức cụ thể, thường là dùng hoá chất, cồn và những tinh dầu thơm trộn lẫn vào nhau nên rất nguy hiểm, việc sử dụng các sản phẩm này có thể gây hại sức khỏe người dùng.
Bác sĩ Nguyễn Hải Vân, Bệnh viện Da liễu Trung ương từng cảnh báo, rằng việc dùng nước hoa không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến việc viêm da mạn tính. Vị trí viêm da khi tiếp xúc với nước hoa thường là cổ tay, cổ, sau tai và gáy, đây đều là những vị trí nhaỵ cảm khi tiếp xúc với hóa chất. Biểu hiện ban đầu có thể là da nóng rát, ửng đỏ, để lâu thì sưng phù nề và nổi bọng nước.
Theo bác sĩ Vân, nước hoa giả thường chứa các hoạt chất như urine có trong nước tiểu, hóa chất chống đóng cặn, chất tạo mùi, alcohol và phthalates… chính những hoá chất này cực kỳ nguy hiểm cho người sử dụng.
“Phthalates (THAL – ates) làm phá vỡ hoạt động của hormone, giảm số lượng tinh trùng và gây dị dạng thai nhi, ung thư vú. Bên cạnh đó, có nhiều loại tinh dầu có tác động độc hại lên sức khỏe con người ví dụ như eucalyptol (1,8 – cineol) là thành phần chủ đạo trong tinh dầu cây bạch đàn có thể gây tổn thương gan”, bác sĩ Vân thông tin.
Trước tình trạng nước hoa giá rẻ tràn lan, thậm chí là nước hoa nhái không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế thấp nhất khả năng mua phải hàng giả người tiêu dùng nên mua tại các cơ sở uy tín có đăng ký kinh doanh. Mặt khác, để có căn cứ kiện lại cửa hàng bán sản phẩm giả khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cần phải lấy hóa đơn trong đó ghi chi tiết các thông số về sản phẩm mình đã mua.
Theo VietQ