Hỏi: Công ty chúng tôi khai báo tờ khai hải quan điện tử cho mặt hàng: “Bản mạch điện tử tích hợp dùng cho máy kiểm tra tấm mạch in. Hàng mới 100% với mã HS: 85423900, thuế suất nhập khẩu: 0%. Tuy nhiên khi làm thủ tục Hải Quan, chi cục Hải Quan yêu cầu chuyển sang mã HS: 85371099; thuế suất nhập khẩu: 15%. Công ty không đồng ý với mã HS mà Chi cục Hải Quan đưa ra và muốn xin đi phân tích phân loại để xác nhận mã số hàng hóa. Trong trường hợp này:
1. Chi cục Hải Quan có tiếp nhận yêu cầu xin đi phân tích phân loại của doanh nghiệp và lấy mẫu đưa đi phân tích hoặc trưng cầu giám định không?
2. Doanh nghiệp muốn thông quan trước tờ khai để lấy hàng trước khi có kết quả phân tích về mã số hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ khai báo theo mã HS ban đầu: 85423900 hay mã số do Chi cục Hải Quan đưa ra: 85371099? Trong trường hợp phải dùng mã số Hải Quan đưa ra, doanh nghiệp có bị phạt do số tiền thuế chênh lệch theo quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính Phủ hay không? Trong trường hợp bị phạt, khi kết quả phân tích phân loại đúng theo mã số ban đầu của doanh nghiệp thì số tiền phạt này doanh nghiệp được hoàn lại hay không?
Đáp:
Do không có hồ sơ cụ thể và nội dung thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên Tổng cục Hải quan không có cơ sở để trả lời chính xác nội dung bạn đề nghị. Tuy nhiên căn cứ nội dung câu hỏi, Tổng cục Hải quan có ý kiến trao đổi như sau:
1. Về việc phân tích phân loại hàng hóa
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Hải quan thì: “Khi tiến hành kiểm tra hải quan, cơ quan hải quan xác định mã số hàng hóa căn cứ hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc kết quả phân tích, giám định hàng hóa. Trong trường hợp không chấp nhận mã số hàng hóa do người khai hải quan khai, cơ quan hải quan có quyền lấy mẫu hàng hóa với sự chứng kiến của người khai hải quan để phân tích, trưng cầu giám định và quyết định mã số đối với hàng hóa đó; nếu người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân loại của cơ quan hải quan thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.”
- Khoản 1, 2 Điều 30 Nghi định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) quy định:
“1. … Trường hợp không nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan về tên hàng, mã số, xuất xứ, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan thì người khai hải quan thực hiện khiếu nại hoặc được lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định để thực hiện việc giám định hàng hóa theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định, cơ quan hải quan căn cứ kết luận của cơ quan, tổ chức giám định để quyết định việc thông quan.
2. Trường hợp cơ quan hải quan không nhất trí với kết quả giám định do người khai hải quan cung cấp, cơ quan hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để quyết định việc thông quan. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan thì thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.”
- Điểm b.2 và b.3 khoản 1 Điều 24 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định:
“b.2) Trường hợp đủ căn cứ để xác định người khai hải quan khai không đúng tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì hướng dẫn và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư này và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung thì cơ quan hải quan xác định lại mã số hàng hóa, mức thuế và thực hiện ấn định thuế, đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện cập nhật kết quả kiểm tra vào cơ sở dữ liệu, thông quan hàng hóa sau khi người khai hải quan nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định;
b.3) Trường hợp phát hiện thông tin khai báo về tên hàng, mô tả hàng hóa chưa phù hợp với mã số hàng hóa, hoặc sai lệch giữa các thông tin trên chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và thông tin khai trên tờ khai hải quan nhưng chưa đủ căn cứ để xác định tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì yêu cầu người khai hải quan nộp bổ sung tài liệu kỹ thuật hoặc hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc bản phân tích thành phần sản phẩm.”
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì:
- Trường hợp cơ quan Hải quan chưa đủ cơ sở để xác định mã số hàng hóa thì cơ quan hải quan thực hiện lấy mẫu để phân tích, giám định.
- Trường hợp người khai hải quan không thống nhất với kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan thì có quyền chọn cơ quan, tổ chức giám định để thực hiện việc giám định hàng hóa.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính
- Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.
- Khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 quy định người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:
“a) Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;…
Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
- Điểm a.2 khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định
“a.2) Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật;”
Trường hợp xử lý hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào hồ sơ vụ việc cụ thể, xác định quy định pháp luật đã bị vi phạm, hành vi vi phạm cụ thể và chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.
Nếu Công ty có hành vi khai sai ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp thì tùy theo hành vi vi phạm, tính chất, mức độ có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 8 hoặc Điều 13 của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ).
- Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính được hoàn trả số tiền phạt thu không đúng theo quy định tại Điều 6 Thông tư 153/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 105/2014/TT-BTC).
Tuy nhiên, để giải đáp, hướng dẫn cụ thể trường hợp của Công ty, đề nghị liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan nơi giải quyết thủ tục hải quan.
Theo Tài chính doanh nghiệp