Sau đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi, người chăn nuôi ở các tỉnh Đông Nam Bộ đang tái đàn. Tuy nhiên, virus của loại dịch bệnh này tồn tại rất lâu trong môi trường, bởi vậy nếu không đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học mà tái đàn có thể gây nguy cơ dịch bệnh tái phát trở lại. Vậy người chăn nuôi làm gì để tái đàn heo an toàn và hiệu quả?
Trại heo giống ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. |
Đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi vừa qua, hộ chăn nuôi ông Bùi Duy Hinh ở xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bị thiệt hại rất nặng, vì phải tiêu hủy cả ngàn con heo.
Vừa qua, ông Hinh định tái đàn 300 con heo thịt, nhưng giá heo giống quá cao nên ông Hinh chỉ tái đàn hơn 100 con để thăm dò thị trường. Số con giống này, ông mua ở trại heo giống Bắc Tân Uyên. Giá mỗi con 2,3 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước dịch bệnh.
Ông Hinh cho biết, với những kinh nghiệm vừa qua, ít nhiều ông đã có kinh nghiệm để khắc phục lại việc chăn nuôi heo như cho ăn thêm những chế phẩm sinh học để hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng. Cộng thêm việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, kỹ lưỡng hơn khi chăm sóc sẽ thành công.
Hiện nay, sau dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi ở Đông Nam Bộ muốn tái đàn, vì giá heo hơi đang ở mức cao. Tuy nhiên, giá con giống cao, nguồn cung hạn chế nên số hộ chăn nuôi tái đàn chưa nhiều.
Đến thời điểm này, đàn heo ở Bình Dương chỉ khoảng 740.000 con; tại Bà Rịa –Vũng Tàu khoảng 360.000 con. Riêng ở “thủ phủ heo” Đồng Nai có khoảng 2,1 triệu con heo, tăng 500.000-600.000 con so với trước khi dịch bệnh. Với nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tìm ẩn nên ngành thú y ở các tỉnh Đồng Nam Bộ khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt mà tái đàn phải đảm bảo an toàn sinh học.
Ở Đồng Nai, người chăn nuôi và doanh nghiệp muốn tái đàn phải đăng ký với chính quyền và các ngành chức năng. Đến nay, Đồng Nai có 142 cơ sở chăn nuôi đăng ký tái đàn với hơn 220.000 con heo. Để hỗ trợ người chăn nuôi, ngành thú y tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống bệnh dịch.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang xây dựng tiếp các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các trang trại, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn tốt hơn.
“Chúng tôi hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng chuồng trại an toàn dịch bệnh. Chúng tôi cũng đang triển khai tháng tiêu độc khử trùng, làm sạch mầm bệnh, tiêu độc khử trùng nơi có nguy cơ cao như đường xá, chợ, khu giết mổ, chăn nuôi…”, ông Giang nói.
Chuồng heo thịt ở trại heo huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. |
Bên cạnh đó, ngành thú y các tỉnh Đông Nam Bộ khuyến khích người dân nên chăn nuôi tập trung, trại kín. Đặc biệt, người chăn nuôi chú ý đến nguồn con giống phải có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Trần Hải Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi-Thú y theo dõi sát tình hình tái đàn của người dân, hướng dẫn bà con biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tư vấn điều kiện để chăn nuôi lại. Đối với các trang trại, chúng tôi có các đoàn kiểm tra, tư vấn xem trại có nên nuôi lại hay chờ đợi đến thời điểm dịch bệnh ổn định”.
Con giống đang là vấn đề nan giải đối với các hộ chăn nuôi heo vì hiện nay, nguồn con giống heo đang thiếu và phần lớn giống cũ, năng suất thấp.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần hỗ trợ cung cấp con giống tốt để đàn nái của chúng ta năng suất cao, phát triển chăn nuôi bền vững hơn, tránh tình trạng đàn heo nái nhiều nhưng năng suất không cao”.
Giá heo hơi hiện vẫn ở mức cao đang thúc đẩy người chăn nuôi ở Đông Nam Bộ tái đàn. Tuy nhiên, để tái đàn hiệu quả ngoài giải pháp bảo đảm an toàn sinh học thì các cơ quan chức năng cần có chính sách phát triển đàn heo giống chất lượng, vì đây cũng là yếu tố quyết định sự phát triển chăn nuôi bền vững./.
Theo VOV