Xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng là một trong 15 xã ở tỉnh Quảng Trị đang còn dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Dịch được phát hiện đầu tiên trên địa bàn xã vào tháng 3/2019, đến nay, hơn 2/3 tổng đàn của xã bị bệnh phải tiêu hủy. Nhiều gia trại nuôi hơn chục lợn nái và cả trăm lợn thịt bị bệnh, phải tiêu hủy, thiệt hại nặng nề.
Ngày 17/2 vừa qua, đàn lợn của một gia đình ở đây mới thả nuôi được vài tháng tiếp tục bị bệnh phải tiêu hủy. Ông Bùi Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết, suốt cả năm qua, chính quyền địa phương và người dân lo chống dịch tả lợn Châu Phi. Hiện, đàn lợn của xã chỉ còn vài trăm con nhưng dịch bệnh tiếp tục diễn ra.
“Hiện nay, chúng tôi kiểm soát các hộ chăn nuôi, khuyến cáo bà con vệ sinh chuồng trại tiêu độc khử trùng, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Trường hợp lợn bị bệnh họ không báo thì cũng không biết được. Trên địa bàn xã Hải Chánh có 2 quốc lộ đi qua, các điểm chốt chặn Quốc lộ của tỉnh, xã không thể chốt chặn, vì vậy rất khó kiểm soát”, ông Bùi Văn Sinh cho hay.
Nhiều trang trại chăn nuôi lợn bỏ hoang cả năm nay. |
Dịch tả lợn châu Phi kéo dài, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Quảng Trị mạnh dạn chuyển sang nuôi gia cầm. Vì vậy, tổng đàn gia cầm của tỉnh Quảng Trị đạt 3,4 triệu con, tăng hơn 38% so với năm ngoái.
Hiện, giá gia cầm giảm mạnh, một con vịt trước đây bán từ 90.000 – 120.000 đồng/kg, bây giờ giá chỉ còn hơn một nửa. Khó khăn lại chồng chất khi đang vào mùa dịch cúm gia cầm, nhưng tại Quảng Trị đang còn thiếu hơn 1 triệu liệu vắc xin tiêm phòng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xã Hải Chánh - hộ chăn nuôi gia trại có quy mô lớn của huyện Hải Lăng, hơn 10 năm chuyên chăn nuôi lợn, gà, vịt, trang trại của ông luôn duy trì 7 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt và đàn vịt cả nghìn con. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đàn lợn của gia đình ông phải tiêu hủy, bỏ hoang chuồng trại gần 1 năm nay. Đầu năm 2020, ông Thanh đã mua 30 con lợn giống thả nuôi trở lại.
“Gia đình tôi tạm tái đàn trở lại chứ cũng không biết hết bệnh hay chưa, cũng sợ tái dịch lại. Thời điểm này, ổ dịch đang còn, chưa công bố hết dịch. Hiện giờ, gia đình chỉ phòng dịch chứ dịch thì không kiểm tra được. Cùng với đó, mỗi tuần phun thuốc khử trùng 2 lần, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng mua 30 con lợn giống thả nuôi trở lại nhưng vừa nuôi vừa sợ tái dịch. |
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi khiến Quảng Trị phải tiêu hủy gần 3.000 tấn lợn bị bệnh. Hơn 10.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngân sách nhà nước phải chi hỗ trợ gần 90 tỷ đồng. Hiện, vẫn còn 15 xã, phường, thị trấn ở tỉnh này đang còn dịch, lợn bị bệnh chết phải tiêu hủy chưa dừng lại. Dịch bệnh kéo dài khiến công tác khôi phục chăn nuôi gặp khó khăn.
Ông Đào Văn An, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh kéo dài do hầu hết tổng đàn lợn trong tỉnh nhỏ lẻ, không kiểm soát an toàn dịch bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccine tiêm phòng bệnh tả lợn Châu Phi. Ngoài ra, do giá hỗ trợ lợn bị bệnh tiêu hủy thấp hơn so với giá bán trên thị trường nên người dân còn tình trạng giấu dịch, lén lút mổ thịt đem bán.
Tỉnh Quảng Trị khuyến cáo chỉ tái đàn lợn đối với những trang trại, gia trại qui mô lớn, đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh. |
Quyết định hỗ trợ lợn bệnh tiêu hủy đã kết thúc từ năm 2019. Hiện nay, dịch vẫn còn, lợn bị bệnh vẫn tiếp tục tiêu hủy nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có hướng dẫn hỗ trợ khiến người chăn nuôi lo không được hỗ trợ.
Ông Đào Văn An cho biết, tỉnh đang qui hoạch lại ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, chỉ cho tái đàn đối với những trang trại, gia trại có qui mô lớn: “Việc chăn nuôi nhỏ lẻ không kiểm soát được mầm bệnh xâm nhập dẫn đến lây lan dịch bệnh. Nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trong thời gian tới sẽ rất cao. Do vậy, không nên tái đàn một cách ồ ạt, nuôi thì nguy cơ bị dịch rất lớn. Chỉ những hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, những hộ có trang trại tách biệt khu dân cư”./.
Theo VOV