Hà Nội, Thứ Năm Ngày 14/11/2024

Người tiêu dùng đã có thể yên tâm với chất lượng thịt nhập khẩu?

TDVN 10:39 14/11/2024

Theo thống kê, 10 tháng qua, lượng thịt nhập khẩu vào nước ta tăng gấp khoảng 40 lần so với lượng thịt xuất khẩu. Chính vì vậy, chất lượng của sản phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều FTA với các đối tác, do đó, việc các nước xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt vào nước ta là điều bình thường.

Việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, theo TS Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tất cả các sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ an toàn dịch bệnh; từ các cơ sở trong Danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh thịt của các nước được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

“Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sửa đổi các quy định về kiểm dịch, kiểm soát thịt và sản phẩm thịt theo hướng cải cách hành chính song song các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Rà soát toàn bộ quy trình đánh giá, phân tích nguy cơ nhập khẩu để làm cơ sở trao đổi thú y, thống nhất với các nước xuất khẩu, bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, Cục Thú y cũng rà soát toàn bộ quy trình xét nghiệm, bảo đảm đạt chuẩn thế giới, chính xác trong việc xét nghiệm phục vụ kiểm dịch”- TS Nguyễn Văn Long chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Long- Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, quy trình kiểm dịch của VN đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp thông lệ quốc tế

Toàn bộ các lô hàng khi đến cửa khẩu phải được kiểm tra hồ sơ, ngoại quan, lẫy mẫu kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới được phép nhập khẩu. Thời gian qua, Cục Thú y đã tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm.

“Năm 2023, Cục Thú y đã ban hành khoảng 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2024 đã ban hành khoảng 150 quyết định xử phạt hành chính, với số tiền xử phạt khoảng 15 tỷ đồng”- ông Nguyễn Văn Long nói.

Việt Nam đã ban hành Thông tư 04/2024- Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và có hiệu lực vào ngày 16/5/2024. Theo đó, cơ quan chức năng đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và các chỉ tiêu vi sinh vật và gây bệnh, vừa gây mất an toàn thực phẩm như vi khuẩn Samonella spp và E.coli (O157). TS Nguyễn Văn Long cho biết, việc bổ sung chỉ tiêu này hoàn toàn phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế cũng như của Việt Nam.

“Từ tháng 5 đến nay, tổng cộng đã có 64 lô hàng thịt nhập khẩu với gần 1500 tấn dương tính với vi khuẩn Samonella chiếm tỷ lệ khoảng 0,61% số lô nhập khẩu. Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản cảnh báo các nước xuất khẩu và đề nghị cần có biện pháp kiểm soát, bảo đảm không để các lô hàng mang mầm bệnh xuất khẩu sang Việt Nam. Đồng thời, cảnh báo các doanh nghiệp nhập khẩu cần lựa chọn kỹ đối tác, đàm phán với họ để tránh tình trạng các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam nhiễm mầm bệnh. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẵn sàng trao đổi và phối hợp với các nước về xét nghiệm, bảo đảm đạt chuẩn thế giới”- ông Long khẳng định.

Quy trình kiểm dịch của nước ta cũng đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, thời gian trả lời kết quả các lô hàng nhập khẩu chỉ mất từ 1-3 ngày, ngoại trừ một số ít lô hàng có kết quả dương tính, cần kiểm tra khẳng định thì cần 7-8 ngày.

Có được thời gian thuận lợi như vậy là do hiện nay, quy trình xét nghiệm và năng lực xét nghiệm của các phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y đều đạt chuẩn quốc tế cũng như đạt yêu cầu với phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới. Trong nhiều năm qua, các phòng xét nghiệm của Việt Nam đều được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, các nước EU, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thịt nhập khẩu phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về Samonella và E.coli theo quy định

Trên thực tế, các doanh nghiệp tại nước ta cũng rất ủng hộ việc kiểm soát nâng cao chất lượng thịt nhập khẩu bởi đây là một yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Cũng vì thế, theo bà Trịnh Hà Trang – Giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu và Thương Mại Green Exim tại Hà Nội, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt, việc đảm bảo chất lượng luôn là yêu cầu được đặt ra.

“Hiện Cục Thú y làm công tác kiểm dịch rất chặt chẽ, nếu phát hiện có khuẩn Salmonella sẽ phải tái xuất chứ không cho nhập vào Việt Nam. Vì vậy, thời gian này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm với chất lượng thịt nhập khẩu vào nước ta”- bà Trang cho hay.

Theo quy định chung của quốc tế và của Việt Nam:

Thịt và các sản phẩm thịt phải xuất phát từ quốc gia, vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; được sản xuất tại cơ sở đã được chứng minh bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Thịt và các sản phẩm thịt phải được sản xuất tại các nhà máy đã được đăng ký, đánh giá và nằm trong danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh thịt của các nước được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Khi nhập khẩu, thịt và các sản phẩm thịt phải được kiểm tra hồ sơ, kiểm tra ngoại quan, phải được lấy mẫu 100% lô hàng kiểm tra các chỉ tiêu theo quy định, nếu đạt yêu cầu mới được phép nhập khẩu.

Theo VOV.vn

Link gốc : https://vov2.vov.vn/suc-khoe/nguoi-tieu-dung-da-co-the-yen-tam-voi-chat-luong-thit-nhap-khau-50818.vov2

Bạn đang đọc bài viết Người tiêu dùng đã có thể yên tâm với chất lượng thịt nhập khẩu? tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng