Một điều đáng lo ngại mà Bamboo Capital cũng đang đối mặt khi dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm hơn 7.000 tỷ đồng.
Tổng nợ vay chiếm 32,1% tổng nguồn vốn
Công ty CP Bamboo Capital (Bamboo Capital, HOSE: BCG) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022 với tổng tài sản đạt mức 44.361,2 tỷ đồng, tăng 23,9% so với đầu năm. Tuy nhiên, khối tài sản này được hình thành chủ yếu từ các khoản phải thu lên tới 24.950,4 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ, chiếm tới 56,2% tổng tài sản.
Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn đạt mức 14.064,1 tỷ đồng, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng lên mức 1.739 tỷ đồng, cao gấp 3 lần; Trả trước cho người bán ngắn hạn đạt gần 3.453,9 tỷ đồng tăng 78,6%; Phải thu ngắn hạn khác chiếm tỷ trọng lớn nhất là 8.701 tỷ đồng. Và phải thu dài hạn khác cũng ở mức cao với 10.849,5 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ, nhưng lại tăng 15,1% so với đầu năm.
Kết thúc 6 tháng, dù vốn chủ sở hữu đạt mức 13.701,4 tỷ đồng, tăng 61,8% so với đầu năm nhưng nợ phải trả của doanh nghiệp này ở mức cao gần 30.660 tỷ đồng, tăng 4,5%. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn tăng lên mức 10.278,8 tỷ đồng, tăng 14,61%; Nợ dài hạn gần như đi ngang đạt mức 20.381 tỷ đồng. Điều này khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao 2,24 lần.
Đặc biệt, khối nợ tăng mạnh đang là một vấn đề của Bamboo Capital. Kết thúc quý 2/2022, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 11.242,7 tỷ đồng; Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.998,9 tỷ đồng tăng 2.056,7 tỷ đồng, tương đương tăng 44,9% so với đầu năm.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ vay tại Bamboo Capital đạt 14.241,6 tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng nợ phải trả, chiếm 32,1% tổng nguồn vốn. Có thể thấy, để duy trì được hoạt động kinh doanh, Bamboo Capital dựa nhiều vào nguồn vốn vay.
Chủ nợ lớn nhất của Bamboo Capital là ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) với 2.301,5 tỷ đồng, tăng 1.062,3 tỷ đồng so với đầu năm. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với khoản vay gần 1.660 tỷ đồng; Công ty TNHH Sembcorp Energy Việt Nam là 634,2 tỷ đồng,...
Ngoài ra, theo BCTC Bamboo Capital đang sở hữu 111,4 tỷ đồng nợ xấu chủ yếu đến từ phải thu khách hàng 104,8 tỷ đồng; Phải thu khác 4,3 tỷ đồng,... Đồng thời, với mục đích tăng đòn bẩy tài chính, Baoboo Capital cũng huy động vốn từ trái phiếu. Tính đến 30/6/2022, Bamboo Capital nợ 6.635,4 tỷ đồng trái phiếu.
Nợ quá lớn nên Bamboo Capital phải dành rất nhiều ngân sách để trả lãi. Chi phí lãi vay trong quý 2/2022 của Công ty này đạt 407,6 tỷ đồng tăng 90,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng tồn kho của Bamboo Capital ở mức 2.773,4 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là chi phí SX kinh doanh dở dang chiếm 2.505,1 tỷ đồng; Thành phẩm 142,7 tỷ đồng,... Tồn kho tập trung tại các dự án: Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ với 1.568,4 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa 2 đạt 300,1 tỷ đồng; Chi phí xây dựng khác là 55,8 tỷ đồng; Chi phí SXKD dở dang khác ở mức 44,9 tỷ đồng,...
Lợi nhuận suy giảm, dòng tiền âm nặng
Theo BCTC, mặc dù doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Bamboo Capital đạt mức 881 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do giá vốn hàng bán chiếm 612,3 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 268,7 tỷ đồng, giảm 11,2% tương đương với 33,8 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 371,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ, nhưng tăng 8,6% so với quý trước đó.
Điểm sáng bức tranh tài chính của Bamboo Capital trong quý này là có thêm 216,1 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, đạt mức 929,7 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 2/2022, lợi nhuận sau thuế của Bamboo Capital tăng 12,4% so với đầu năm, nhưng giảm 32,1% so với quý trước đó, đạt mức 354,8 tỷ đồng.
Ở một khía cạnh khác, tình trạng dòng tiền thuần của Bamboo Capital lại âm trong quý 2/2022, mặc dù tăng cường vay nợ, nhưng cũng không “cứu” được dòng tiền kinh doanh chính của doanh nghiệp này.
Tính đến ngày 30/6/2022, Bamboo Capital ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 2.297 tỷ đồng, tăng mạnh hơn so với cùng kỳ và âm liên tiếp trong 5 quý gần đây. Cụ thể, quý 1/2021 âm 1.439 tỷ đồng; Quý 2/2021 con số này tăng vọt lên âm 7.855 tỷ đồng, quý 3/2021 âm 7.009 tỷ đồng; Quý 4/2021 âm đột biến với 9.315 tỷ đồng; Quý 1/2022 giảm mạnh xuống còn âm 1.730.
Dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận âm 4.726 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ, tăng 2.396,8 tỷ đồng. Tình trạng âm này cũng kéo dài liên tiếp với những con số âm“ khủng”. Cụ thể, quý 3/2021 âm 3.131 tỷ đồng; Quý 1/2022 âm 2.542 tỷ đồng. Chỉ riêng quý 4/2021 dương chỉ vỏn vẹn 64 tỷ đồng.
Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 của Bamboo Capital âm tới 7.022,6 tỷ đồng. Dòng tiền thuần trong kỳ âm 212,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn ghi nhận dương 379,8 tỷ đồng.
Do tăng cường vay nợ, dòng tiền tài chính của Bamboo Capital ghi nhận dương liên tiếp với những con số hàng nghìn tỷ đồng trong những quý gần đây.
Cụ thể, kết thúc quý 2/2022 dòng tiền hoạt động tài chính của Bamboo Capital tăng 2.699,8 tỷ đồng đạt 6.810 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với quý trước. Trong đó, tiền thu từ đi vay và từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu lần lượt là 5.219,8 tỷ đồng và 5.013,8 tỷ đồng, Bamboo Capital trả nợ gốc vay với con số đáng báo động là 3.335,9 tỷ đồng. Tại quý 2/2021, dòng tiền tài chính đạt mức 10.564 tỷ đồng; Quý 3 và quý 4/2021 cũng dương lần lượt là 9.925 tỷ đồng và 9.400 tỷ đồng.