Sau năm 2021 khởi sắc với kết quả kinh doanh đột biến của nhiều công ty nhờ lượng nhà đầu tư gia nhập thị trường cao kỷ lục, các công ty chứng khoán tiếp tục đặt chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2022.
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông được công bố của một số công ty chứng khoán, nhiều nơi đặt chỉ tiêu tiêu kinh doanh cao hơn đáng kể thực hiện năm 2021.
Cuộc đua lợi nhuận công ty chứng khoán: Ai là quán quân?
Trong thông điệp gửi cổ đông tại báo cáo thường niên, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán MB (HNX: MBS) đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu trên 3.027 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và 50% so với 2021.
Động lực tăng trưởng trong năm 2022 của thị trường đến từ số lượng tài khoản mở mới tiếp tục xu hướng tăng từ mức 4% lên 5% dân số nhờ mặt bằng lãi suất ổn định và sự đóng góp của công nghệ giúp nhà đầu tư giao dịch thuận tiện hơn; hoạt động thoái vốn nhà nước và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong 2 năm tới. Nếu hoàn thành chỉ tiêu đưa ra, MBS sẽ là công ty chứng khoán tiếp theo điền tên vào nhóm các công ty chứng khoán có mức lãi hàng nghìn tỷ đồng, cùng với SSI, VNDirect, Bản Việt, HSC, SHS.
Trong lần trở lại mảng chứng khoán, VPBank Securities - một công ty chứng khoán do VPBank mua lại, tiền thân là Chứng khoán ASC cũng đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận gấp 105 lần kết quả thực hiện trong năm 2021 và là mức kỷ lục của công ty này.
Cơ sở để VPBank Securities đưa ra kế hoạch khủng đến từ việc tăng vốn điều lệ từ gần 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng. Nếu thành công, VPBank Securities sẽ là công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng thứ hai trên thị trường.
Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng đã đặt chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng 30,2% năm 2022 lên 826,3 tỷ đồng. Dự kiến thu từ cho vay và hoạt động môi giới cùng tăng trưởng 31%, lần lượt đạt 357,4 tỷ đồng và 430,7 tỷ đồng.
Trong nhóm các công ty niêm yết, Chứng khoán Everest (Mã: EVS) cũng đã tổ chức đại hội cổ đông sớm và thông qua chỉ tiêu doanh thu hoạt động đạt 1.815 tỷ đồng trong năm 2022, tương ứng lợi nhuận sau thuế 458,3 tỷ đồng, cao hơn 63% và 8,6% thực hiện năm liền trước.
Một công ty chứng khoán nhóm dưới là Chứng khoán Alpha cũng đã thông qua phương án kinh doanh với doanh thu 110,75 tỷ đồng và lợi nhuận thuần 80,75 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 132,25% và 189,44% so với năm trước. Cùng với đó, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 175,9 tỷ đồng lên 467,6 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh "đi lùi"
Ở chiều ngược lại, một số công ty chứng khoán lại đặt kế hoạch lợi nhuận "đi lùi", cụ thể là Chứng khoán FPTS và Chứng khoán APEC.
Căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2021 và dự báo thị trường năm 2022, Hội đồng quản trị công ty Chứng khoán FPTS trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.090 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 680 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% và 6,3% so với thực hiện năm 2021.
Đây là mục tiêu thận trọng với tình hình kinh doanh năm nay trên mức nền cao của năm 2021.
Điểm qua về kết quả kinh doanh năm 2021, FPTS đạt hơn 981 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 đạt 846 tỷ đồng, gấp 5 lần số thực hiện trong cùng kỳ 2020. So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra hồi đầu năm là 260 tỷ đồng, FPTS vượt 277% mục tiêu đề ra. Tính tới cuối năm 2021, dư nợ cho vay của FPTS có giá trị hợp lý 4.996 tỷ đồng, tăng tới 2.784 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong thông điệp gửi tới cổ đông, Chủ tịch HĐQT Phạm Duy Hưng của Chứng khoán APEC cũng cho biết năm 2022 Chứng khoán Châu Á Thái bình Dương đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng trưởng 7% lên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lãi sau thuế giảm 11,13% về mức 500 tỷ đồng.
Mục tiêu kinh doanh này đặt ra trong bối cảnh năm 2021 Chứng khoán APEC đã báo lãi kỷ lục với doanh thu hoạt động 747 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 562 tỷ đồng, lần lượt gấp 4,7 lần và 10 lần thực hiện năm trước nhờ hoạt động tự doanh lãi lớn khi "chốt lời" cổ phiếu CEO.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Khoa Bảo, Trưởng phòng kinh doanh, Chứng khoán VPS, cho rằng mục tiêu kinh doanh của các công ty chứng khoán trong năm 2022 sẽ thách thức hơn trước đây. Nguyên nhân ông Bảo chỉ ra là do mức nền cao của năm 2021 và thị trường có thể giảm nhiệt sau một năm tăng nóng.
Theo ông Bảo, kinh tế hồi phục và hoạt động sản xuất kinh doanh tái khởi động sẽ khiến dòng vốn trên thị trường phân tán, không đổ mạnh vào chứng khoán mạnh như trước. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng cũng đang "rục rịch" tăng trở lại.
Ông Bảo cho rằng những phiên điều chỉnh gần đây của thị trường cũng là lời cảnh tỉnh cho nhà đầu tư thấy thị trường chứng khoán vốn không dễ kiếm lời. Do vậy, các công ty cũng phải chạy đua tìm nhà đầu tư mới, phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng... để kích thích nhà đầu tư "xuống tiền". "Năm nay các công ty chứng khoán sẽ phải vất vả hơn nhiều nếu muốn nối tiếp đà tăng năm trước" - ông Bảo dự đoán