VN-Index giảm mạnh hôm nay đã rơi trở lại đáy cũ cách đây 4 phiên. Tuy vậy đa số cổ phiếu đã giảm từ trước và thấp hơn nhiều so với đáy tương ứng ở chỉ số.
VN-Index tăng nhờ cổ phiếu trụ thì cũng có thể lao dốc vì những mã này. Điều oái oăm là trụ tăng không kéo được cổ phiếu cả thị trường nhưng trụ giảm, chỉ số giảm thì cổ phiếu lại bị bán tháo. Điều này khiến việc nâng VN-Index lên giống như một cái bẫy, hơn là để ổn định tâm lý.
VN-Index chốt ngày hôm nay tại 662 điểm, vẫn còn chưa thủng đáy thứ Ba tuần trước (đóng cả 659 điểm). Nhà đầu tư phân tích kỹ thuật sẽ coi đó là một tín hiệu kiểm tra đáy. Tuy vậy, cổ phiếu thì kém hơn nhiều khi hôm nay giảm quá mạnh và chẳng còn đáy nào mã kiểm tra nữa. Có thể điểm ra hàng loạt cổ phiếu thuộc hàng blue-chips rơi vào tình cảnh này: STB, MBB, SSI, MWG, HDB, FPT, VPB, PNJ...
Việc phân tích thị trường thông qua phân tích VN-Index đang trở nên nhiễu loạn. VIC hôm nay đóng cửa giảm 6,22%, VHM giảm 7%, VCB giảm 4,84%, GAS giảm 6,19%, SAB giảm 6,56%, VNM giảm 3,08%. Nếu các cổ phiếu này tiếp tục trả giá cho cú nảy T+3 tuần trước thì việc VN-Index xuyên thủng đáy 660 điểm là quá dễ dàng. Mặt khác, VN-Index giữ được đáy cũng không ích gì, nếu như cổ phiếu cứ lũ lượt thủng đáy và khiến nhà đầu tư lỗ nhiều hơn.
Thị trường bị bán tháo mạnh mẽ hôm nay bất chấp tình hình thế giới khá ổn. Thị trường tương lai chứng khoán Mỹ trong phiên Việt Nam không giảm nhiều, thậm chí có lúc tăng. Các thị trường châu Á cũng giảm nhẹ hơn nhiều so với Việt Nam. Trong khi đó, áp lực bán lại tăng cao trong nước, đẩy gần 100 cổ phiếu giảm xuống giá sàn và ngay trong nhóm VN30 cũng có 10 mã sàn. Rất có thể nhà đầu tư đang phản ứng tiêu cực với các diễn biến trong nước, hơn là yếu tố quốc tế.
Thông tin mới nhất xuất hiện dịp cuối tuần là một số con số vĩ mô, trong đó có GDP quý I/2020 tăng 3,82%. Con số này đang được tranh luận nhiều vì hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu đình trệ từ sau Tết. Tuy nhiên giả sử con số này phản ánh chính xác thì mức tăng 3,82% lại có thể phát đi tín hiệu đáng lo hơn về quý II/2020. Thị trường có thể phản ánh trước các lo ngại này.
Một điểm dở nữa là tình hình vẫn chưa êm xuôi đối với dòng vốn ngoại. Cuối tuần trước nhà đầu tư nước ngoài dừng bán ròng và quay sang mua ròng nhẹ tạo tâm lý hi vọng rằng đợt bán ròng rã 2 tháng nay đã chấm dứt. Tuy nhiên rất có thể vài phiên giảm bán cuối tuần trước chỉ là nhằm giảm áp lực lên giá cổ phiếu ở thời điểm chốt NAV quý I/2020. Hôm nay, khối ngoại lại tiếp tục bán ròng gần 173 tỷ đồng với cổ phiếu hai sàn.
Trên thị trường phái sinh, tình hình lại lặp lại với phiên cuối tuần trước. Lần này mức chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lại kỳ hạn tháng 4 còn thấp hơn chỉ số cơ sở VN30Index tới trên 30 điểm (phiên thứ Sáu là -27,2 điểm).
Cuối tuần trước cũng đã có những nghi ngờ về thị trường phái sinh đã lo sợ quá mức. Tuy nhiên hôm nay VN30-Index đã giảm 29,21 điểm, còn nhiều hơn cả mức chênh lệch và hợp đồng phái sinh kỳ hạn tháng 4 giảm 32 điểm. Nói cách khác, thị trường phái sinh hôm thứ Sáu tuần trước đã phản ánh đúng diễn biến VN30-Index ngày hôm nay. Sự lo sợ trên thị trường phái sinh cũng là sự lo sợ đối với thị trường cổ phiếu.
Theo Vietnamfinance