Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Cao Phong (Hòa Bình): Chuyển mình khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

An Dân - Trà Giang 06:41 22/02/2020

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo huyện Cao Phong đã có nhiều đổi thay tích cực.

Đến hết năm 2019, toàn huyện đã xây dựng được 5/12 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu.

-Dũng phong là xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Đăng Khoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: “5 xã đạt chuẩn NTM là: Dũng Phong, Thu Phong, Nam Phong, Đông Phong, Tây Phong, còn 5 xã đạt từ 11-16 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí. Năm nay, huyện phấn đấu số tiêu chí NTM đạt bình quân 15,41 tiêu chí/xã; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí”.

Cũng theo ông Khoa, để nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM theo chuẩn mới của Chính phủ, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tốt phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" theo phương châm dựa vào nội lực của dân và cộng đồng là chính, Nhà nước hỗ trợ chủ yếu qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động tối đa các tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như hiến đất, góp công sức, tiền, hiện vật, đầu tư phát triển sản xuất...

--Ông Bùi Đăng Khoa - Trưởng phóng NN&PTNT huyện Cao Phong chia sẻ với phóng viên về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2010 - 2019

Dũng Phong là xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh 10 năm trước, khi chưa thực hiện xây dựng NTM, xã gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Các tiêu chí khi khảo sát chỉ đạt 11/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đạt 16,5 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 23%;hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) đạt 50%.

Trước những khó khăn đó, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, huyện, Đảng bộ và chính quyền xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức và huy động sự đồng thuận của người dân. Với tổng nguồn vốn xây dựng NTM 38,6 tỷ đồng, chính quyền và người dân cùng chung sức xây dựng hạ tầng nông thôn, các mô hình phát triển kinh tế, đời sống văn hóa...

--Người dân xã Tây Phong đồng lòng chung tay xây dựng NTM, giữ gìn cảnh quan môi trường

Về xã Dũng Phong ngày nay, diện mạo NTM hiện hữu ở ngay trên những con đường thôn, xóm, hệ thống CSHT khang trang. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 40 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,2%. Các phong trào VH-VN, TD-TT được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của BCĐ Chương trình MTQG về xây dựng NTM và Văn phòng Điều phối Chương trình NTM của huyện, sau 8 năm nỗ lực, xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là xã về đích NTM năm 2018. Hệ thống CSHT được đầu tư đáp ứng nhu cầu người dân. Các khu dân cư được trồng hoa và cây xanh tô điểm thêm cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp...

--Diện mạo nông thôn tại Cao Phong khởi sắc rõ rệt nhờ thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM

Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, bộ mặt nông thôn huyện Cao Phong có nhiều thay đổi tích cực, thể hiện qua sự phát triển đồng đều về KT-XH, văn hóa, ANTT luôn được giữ vững.

Đến nay, toàn huyện đã có 93,62 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 90,11km đường trục thôn, 74,97km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 28,65km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn. Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa và nâng cấp 28 công trình trường học; xây mới, nâng cấp 32 công trình nhà văn hóa xã, thôn. Dự kiến đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 48,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,67%, trên 93% người dân sử dụng nước sạch.

Huyện cũng đã hình thành được phong trào hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, công trình phúc lợi ở tất cả các xã trên địa bàn. Từ các xã Dũng Phong, Nam Phong, Đông Phong, Bắc Phong đến các xã vùng cao Yên Lập, Yên Thượng, các xã vùng hồ như Bình Thanh, Thung Nai đều có những mô hình hay, cách làm tốt, những tấm gương điển hình hiến đất, tài sản, hoa màu để làm hạ tầng NTM. Tại nhiều xã, người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, công trình phúc lợi, công sức.

Tính từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có 190 hộ hiến đất, với tổng diện tích 16.775 m2. Trong đó, xã Dũng Phong có 36 hộ hiến đất xây dựng giao thông nội đồng, giao thông nông thôn với tổng diện tích 1.687 m2, điển hình như hộ ông Bùi Văn Tưởng, xóm Đồng Ngoài hiến 300 m2. Xã Yên Lập có 86 hộ hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa với tổng diện tích 5.667 m2, điển hình như hộ ông Đinh Văn Đậu, xóm Thang hiến 250 m2 đất vườn. Xã Xuân Phong có 40 hộ hiến đất với tổng diện tích 4.880 m2, điển hình có hộ ông Bùi Văn Tý, xóm Rú Mới 3 lần hiến đất với diện tích 1.400 m2; gia đình ông Bùi Văn Đặng, xóm Nhõi Trong 2 lần hiến đất với diện tích 1.000 m2; hộ ông Bùi Minh Phúc, ông Bùi Văn Dũng, xóm Rú hiến 200 m2.

--Toàn huyện Cao Phong đã có 93,62 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn.

Xã Bình Thanh có 6 hộ hiến đất với tổng diện tích 1.430 m2, điển hình có hộ ông Bùi Văn Bích, ông Nguyễn Văn Chẩm hiến 400 m2. Xã Yên Thượng có 4 hộ hiến đất xây dựng NTM với tổng diện tích 2.811 m2. Xã Bắc Phong có 17 hộ hiến đất với tổng diện tích 859 m2, điển hình có hộ ông Bùi Văn Báp hiến 150 m2... Kết cấu hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư phục vụ nhu cầu người dân.

Theo ông Khoa nhận định, ngay từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện đều coi đây là chương trình trọng điểm, phải quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mọi công việc phải được đưa ra bàn bạc rộng rãi, công khai minh bạch, có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp.

Thời gian tới, phòng NN&PTNT dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện sẽ tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng 19 tiêu chí của các xã NTM và hoàn thành các tiêu chí huyện NTM theo hướng bền vững, tạo đột phá trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bố trí nguồn kinh phí, huy động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp hạ tầng nông thôn; phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM.

An Dân - Trà Giang (TH)/SHTT

Bạn đang đọc bài viết Cao Phong (Hòa Bình): Chuyển mình khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương