Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 11/4/2018.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 9.220 tỷ đồng, trong đó 30% vốn của chủ đầu tư, 70% vốn vay thương mại không có bảo lãnh của Chính phủ.
Dự án có quy mô công suất 2 x 240 MW, xây dựng mới tuyến năng lượng gồm: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối. Ngoài ra, dự án sử dụng chung các hạng mục công trình hiện hữu như hồ chứa, đập dâng, đập tràn.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện.
Đồng thời nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia. Dự án cũng góp phần giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.
NMTĐ Hòa Bình hiện nay. Ảnh VGP |
Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào tháng 10/2020 và phát điện vào năm 2024. Hiện nay, thiết kế kỹ thuật của dự án đang được Bộ Công Thương tiến hành thẩm định.
Diện tích đất thu hồi để triển khai dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là 90,78ha. Trong đó có 39,63ha thu hồi tạm và 51,15ha thu hồi vĩnh viễn.
Cụ thể, phạm vi mặt bằng công trình chính ảnh hưởng đến 51 hộ dân, 10 tổ chức với 12 công trình phải di dời. Phạm vi mặt bằng công trình phụ trợ thuộc đường Lê Đại Hành (thành phố Hòa Bình) phục vụ thi công dự án ảnh hưởng đến 92 hộ dân, 4 tổ chức tương ứng với 4 công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.
Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hoà Bình đang tổ chức lập, hoàn thiện các phương án bồi thường GPMB cho 10 tổ chức, tuy nhiên vẫn chưa có phương án nào hoàn thành thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với đất và tài sản của các cá nhân cũng còn một số vướng mắc do đất chồng lấn các dự án, chưa bố trí được tái định cư.
Để bảo đảm mục tiêu khởi công dự án trong quý IV/2020, EVN kiến nghị tỉnh Hòa Bình sớm bàn giao mặt bằng phần diện tích đất bãi thải dốc Cun cho chủ đầu tư, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm hoàn thành công tác lập, thẩm định phương án bồi thường GPMB của các tổ chức trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đề nghị tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Hòa Bình sớm phê duyệt phương án bồi thường GPMB đối với các hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng đường Lê Đại Hành, 4 hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng cảng Ba Cấp và giải quyết các kiến nghị của các hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng bãi thải dốc Cun theo quy định của pháp luật
EVN cũng kiến nghị tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án san nền tạo mặt bằng phục vụ phát triển đô thị cụ thể là khu liên cơ tại đầm Quỳnh Lâm để đồng bộ với tiến độ dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng.
Theo Báo chính phủ