Chỉ mong giữ được vườn cây
Ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, bên cạnh các loại trái cây như thanh long, chôm chôm, ổi…, sầu riêng cũng là mặt hàng trái cây đặc sản của địa phương. Năm nay hạn, mặn khốc liệt khiến nhiều vườn sầu riêng tiền tỷ không trụ được, nông dân phải đốn bỏ.
Giá sầu riêng và nhiều loại trái cây khác đang tăng ở thị trường trong nước nhưng không phải nông dân nào cũng được hưởng lợi. Ảnh: T.L
Theo Bộ Công Thương, tại thị trường nội địa, hầu hết các loại trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít thái và sầu riêng từng chịu ảnh hưởng lớn về tiêu thụ bởi dịch Covid-19, đã bắt đầu tăng giá trở lại. Tuy nhiên, nguồn cung trái cây thời gian tới, trong đó có sầu riêng, đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, đe dọa hơn 80.000ha cây ăn quả tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre... |
Để cứu vườn cây vượt qua giai đoạn khó khăn, từ nay đến cuối tháng 4, Tiền Giang thực hiện đưa nước từ thượng nguồn sông Tiền về ứng cứu vườn trồng sầu riêng chuyên canh. Người dân được cấp phát nước ngọt miễn phí theo định mức. Mỗi ha vườn cây trên 5 năm tuổi được nhận 80m3, vườn cây dưới 5 năm tuổi sẽ được nhận 40m3, chia làm 4 đợt, mỗi tuần 1 đợt.
Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, đơn vị được UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ chở nước từ thượng nguồn về chia sẻ cho nông dân trồng sầu riêng, cho hay, đơn vị này đã huy động tất cả phương tiện chuyên dùng tập trung chở nước ngọt. Nhiều sà lan trước đây dùng chở vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa khác cũng được huy động chở nước.
Ông Nguyễn Minh Hiếu (huyện Cai Lậy) kể, gia đình canh tác 0,4ha sầu riêng. Từ khi đóng các cống đập để ngăn mặn xâm nhập, vườn cây của gia đình ông thiếu nước nên héo khô, nhiều cây đang chết dần vì không chịu được khô hạn. Để cứu vườn, ông Hiếu phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nguồn nước tưới.
Mới đây, gia đình ông Hiếu nhận được 32m3 nước ngọt từ chương trình hỗ trợ ứng cứu vườn cây của chính quyền địa phương. Theo ông Hiếu, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông không thể kham nổi vì chi phí đưa nước ngọt về giữ vườn cây quá lớn, trong khi hạn mặn kéo dài.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bé - trồng sầu riêng tại xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy), từ đầu năm đến nay, vườn cây thiếu nước nên sức sống giảm sút rất nhiều. Ông Bé không hy vọng mùa sầu riêng năm nay gia đình sẽ thu được khoản lợi nhuận khá như những năm trước.
Cũng may, đầu tuần này, Tiền Giang đã có mưa đầu mùa giúp các vườn cây giải toả bớt cơn khát bởi khô hạn. Nông dân cũng tranh thủ trữ nước ngọt để dành tưới cho cây. Ông Nguyễn Văn Bé cho biết, sầu riêng là cây trồng lâu năm. Nếu cây chết thì việc trồng lại vườn cây mới phải tốn 5 - 6 năm sau mới có thu hoạch.
“Sầu riêng hiện đang có giá rất cao. Nhưng bây giờ chỉ mong giữ được cây sống sót là mừng lắm rồi” - ông Bé chia sẻ.
Giá sầu riêng “lập đỉnh”, không đủ hàng bán
Ngược lại, các vườn sầu riêng ở miền Đông lại được mùa được giá. Nhiều người trồng đang hy vọng, mức giá cao sẽ còn giữ được cho đến khi vào vụ thu hoạch rộ.
Ông Trần Anh Tùng - nông dân trồng sầu riêng VietGAP ở huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, sầu riêng đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Số lượng quả đầu vụ chưa nhiều nên mức giá sầu riêng bán ra hiện đang rất cao, gần như lập được mức “đỉnh” do lượng hàng ít, không đủ cung cấp cho thị trường.
Theo ông Tùng, còn khoảng nửa tháng nữa các vườn sầu riêng mới chín rộ. Trong khi đó, Trung Quốc đã cơ bản ngăn chặn được dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu sôi động trở lại. Ông hy vọng mức giá này sẽ còn duy trì cho đến lúc Trung Quốc nới giãn các hoạt động kiểm soát dịch bệnh ở cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này.
Ông Tùng đánh giá, năm nay dù diện tích trồng sầu riêng có tăng nhưng Trung Quốc, Ấn Độ vẫn là những thị trường rất ưa chuộng sầu riêng Việt Nam nên không quá lo ngại về việc nguồn cung dư thừa.
Hiện giá sầu riêng tại Chợ Đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai) đang ở mức 70.000 đồng/kg, còn tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) có giá lên tới 80.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Đương ở huyện Phước Long (Bình Phước) cũng thông tin, nếu như năm 2019 gia đình ông thu hoạch được hơn 70 tấn sầu riêng các loại thì năm nay, diện tích vườn đã tăng lên 7ha, dự kiến sẽ thu về gần 100 tấn trái.
Với giá bán lúc chính vụ dao động từ 48.000 - 60.000 đồng/kg, năm ngoái ông Đương thu về gần 3 tỷ đồng. Năm nay, giá bán sầu riêng đầu vụ tại Bình Phước hiện dao động quanh mức 85.000 - 90.000 đồng/kg nên ông Đương hy vọng sẽ thu được lãi cao hơn.
Theo Phòng Thông tin Thương mại nội địa (Bộ Công Thương), từ trung tuần tháng 3 đến nay, giá nhiều loại trái cây, trong đó có sầu riêng, bắt đầu phục hồi do tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá sầu riêng hiện đã tăng thêm từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị trường Trung Quốc đang phục hồi trở lại, nhu cầu tiêu thụ rau quả gia tăng khi hệ thống siêu thị, các nhà hàng mở cửa trở lại. Do đó, dự báo xuất khẩu trái cây sẽ phục hồi trong tháng tới.
Theo Dân Việt