Trước đó, Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cùng các thành viên trong tổ công tác gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và có kết luận cụ thể.
Trong đó, kết luận số 37/BC-TCT của UBND tỉnh Hà Giang nêu, trên địa bàn huyện Bắc Quang có 53 điểm san, đào chủ yếu bám theo QL2, tại 10 xã, thị trấn: thị trấn Việt Quang, thị trấn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Hảo, xã Tân Thành, xã Tân Quang, xã Việt Vinh, xã Hùng An, xã Tiên Kiều, xã Kim Ngọc.
Tình trạng san đào đất tại nghĩa trang thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang trước đó từng trở thành đề tài "nóng" trong dư luận địa phương. |
Tại huyện Vị Xuyên có 20 điểm san đào đất chủ yếu bám theo QL2 và QL 4C tại 7 xã, thị trấn: Thị trấn Việt Lâm, thị trấn Vị Xuyên, xã Phương Tiến, xã Minh Tân, xã Thanh Thủy, xã Đạo Đức, xã Việt Lâm.
Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra những tồn tại chung của 2 huyện này là đều chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý san đào đất, thậm chí còn có phần buông lỏng.
Các huyện cũng còn thiếu sự quan tâm trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Thiếu chỉ đạo và tổ chức công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể.
Đặc biệt, việc quyết liệt xử lý đến cùng của huyện, xã còn hạn chế. Vai trò của chính quyền cơ sở và sự chấp pháp của người dân ở cơ sở còn chưa tuân thủ tốt. Việc sử dụng biện pháp, giải pháp xử lý các huyện, xã còn lúng túng.
Tại một số địa bàn chính quyền cơ sở còn “làm ngơ” cho đối tượng thực hiện san đào, viện dẫn những lí do không thực tiễn (lợi dụng ngày nghỉ làm, san đào về đêm…).
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng, về đất đai chưa được rà soát, đánh giá để lựa chọn những vấn đề người dân, cán bộ đảng viên chưa rõ, chưa chắc để phổ biến giáo dục phù hợp.
Việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân của UBND các huyện khi cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san đào, đổ đất chưa đúng quy định của Bộ Tài nguyen và Môi trường.
Việc thẩm định để chấp thuận chủ trương cho san đào đổ đất của UBND các huyện còn thiếu chặt chẽ, thiếu thực tiễn; Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thiếu đồng bộ và toàn diện.
Việc cắm biển cảnh báo tại những địa điểm trước đó từng sai phạm đã được các địa phương nghiêm túc thực hiện. |
Đặc biệt, nếu rà soát thì ngân sách sẽ bị thất thu một khoản đáng kể, do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san đào đất không được chấp thuận hoặc cấp phép.
Trước những tồn tại đang diễn ra, UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu 2 huyện bị thanh, kiểm tra trên phải thực hiện ngay các giải pháp như: Thống nhất giao UBND các huyện ra quyết định đình chỉ toàn bộ các điểm san đào, đổ đất trên địa bàn toàn huyện.
Các huyện có trách nhiệm thông báo đến toàn thể đối tượng san đào, đồng thời bỏ kinh phí cắm biển báo tại điểm san đào bị đình chỉ để cảnh báo.
Kể từ thời điểm hiện tại, tất cả các trường hợp phát sinh hoặc trường hợp cố tình san đào đất trái phép yêu cầu huyện đó phải có chế tài xử lý.
Sau khi có quyết định đình chỉ, UBND các huyện đó lập và ban hành chi tiết kế hoạch kiểm tra, xử lý toàn bộ các điểm san đâò đất.
Thống nhất chỉ cho hoàn thiện các thủ tục và san đào đối với các vị trí phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các huyện chỉ đạo công an huyện đó thông báo đến các chủ phương tiện phục vụ san đào chỉ được hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có đầy đủ thủ tục san đào.
Các huyện cũng chỉ đạo tới các xã, thị trấn phải thông báo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa bàn đó để người dân biết và thực hiện.
Đồng thời, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng xem xét và chỉ đạo xử lý lãnh đạo những địa phương để xảy ra tình trạng san đào đất trái phép bằng hình thức kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong Chi Đảng bộ và cấp chính quyền. Đối với trường hợp chứng minh được có sự tiếp tay cho sai phạm phải thì phải có biện pháp kỷ luật thích đáng.
Theo Pháp luật plus