Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa những thế mạnh để phát triển kinh tế

Nhanh Trần (TH-ĐTVN)/SHTT 08:00 17/01/2020

Huyện Thọ Xuân có diện tích hơn 295 km², đây là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá thành phố Thanh Hoá, nằm ngay bên hữu ngạn sông Chu với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và đặc sắc.

Thọ Xuân có điều kiện vị trí và giao thông thuận lợi cho giao lưu nhiều vùng miền trong, ngoài tỉnh. Từ thành phố Thanh Hóa, theo trục đường 47 đến huyện Thọ Xuân dài 36km. Từ Thọ Xuân lên biên giới Na Mèo gần 150km và ra thủ đô Hà Nội theo con đường Hồ Chí Minh hơn 130km. Thuận lợi cho kết nối, giao lưu với các vùng miền, thành phố, khu kinh tế trong tỉnh, giao lưu trong nước giáp tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình; quốc tế bằng đường bộ qua Lào, đường hàng không, kể cả giao lưu bằng đường biển: có Cảng nước sâu Nghi Sơn, gần Cảng Lễ Môn.

Lợi thế phát triển các ngành dịch vụ vận tải, logistics, giao lưu thương mại trung chuyển hàng hóa giữa đồng bằng ven biển và miền núi Thanh Hóa, giữa cảng biển và khu cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt- Lào thuộc Thanh Hóa.

Cảng hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động mở ra cơ hội mới cho kinh tế huyện Thọ Xuân

Địa hình Thọ Xuân phân thành 02 vùng khá rõ: Vùng đồi bát úp và núi thấp phía Tây Thọ Xuân. Đây chủ yếu là vùng đồi thoải lượn sóng có một số địa hình thấp bãi bồi ven sông Chu, độ cao từ 15m- 150m, khu vực núi thấp tập trung ở phía Tây Nam thuộc 3 xã Xuân Bái, Xuân Phú, Xuân Thắng. Vùng có diện tích 164,5 km2 chiếm 56,3% diện tích toàn huyện. Vùng đồng bằng sông Chu nằm có nhiều cánh đồng rộng, bằng phẳng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tả ngạn sông Chu rải rác đồi núi sót, hữu ngạn có một số địa hình thấp trũng lòng chảo ngập nước thường xuyên và theo mùa. Vùng có diện tích 127,8 km2 chiếm 43,7% diện tích toàn huyện.

Địa hình đất đai rộng, bằng phẳng gắn kết hệ thống sông ngòi là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nông nghiệp, cây công nghiệp; quỹ đất còn rộng rãi nhất là khu vực phía Tây dọc Đường Hồ Chí Minh và gần Cảng hàng không Thọ Xuân, thuận lợi cho đầu tư xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, kinh tế trang trại, xây dựng phát triển các đô thị mới.

Thọ Xuân có điều kiện khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu khu vực Phía Bắc và Miền Trung. Phân thành hai mùa rõ rệt, mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, lạnh và mưa ít, mùa hè kéo dài chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam mưa nhiều và có gió Tây khô nóng. Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao 1800- 1900 mm. Đặc điểm khí hậu, thời tiết ở Thọ Xuân thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, nền nhiệt, ẩm cao có tác động mạnh đến thúc đẩy tăng trưởng sinh khối nhiều loại cây trồng ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày.

Điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở Thọ Xuân phần lớn là đất phù sa bồi tụ của sông Chu và đất feralit đỏ vàng tập trung ở khu vực đồi núi thấp, thích hợp cho trồng nhiều loại cây nông nghiệp, cây lương thực thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, cây lâm nghiệp...; có nhiều địa hình trũng thấp ngập nước thường xuyên và theo mùa (ao hồ, khe lạch, đồng trũng,…) thuận lợi cho phát triển nuôi thả thủy sản, canh tác kết hợp lúa – cá, vùng chuyên canh có quy mô.

Thọ Xuân có nhiều sông, hồ lớn nhỏ thuận lợi về nguồn cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, nguồn phát điện. Toàn huyện có 3 sông chảy qua gồm sông Chu, sông Hoằng, sông Cầu Chày và một số sông suối nhỏ: sông Dừa nhánh của sông Hoằng, Khe Trê chủ yếu có vai trò tiêu nước. Sông Chu đoạn chảy qua dài 30km và đổ vào sông Mã thuận lợi để phát triển giao thông thủy, kết nối huyện với vùng đồng bằng ven biển của tỉnh. Hệ thống các hồ lớn, nhỏ phân bố rải rác trong huyện: Hồ Mọ diện tích 39,8 ha, Hồ Cửa Trát diện tích 17,5 ha, Hồ Sao Vàng diện tích 12 ha.

Các loại khoáng sản ở Thọ Xuân chủ yếu có đá vôi, đá xây dựng tập trung ở các xã Thọ Lâm (52 ha), Xuân Phú (22,5 ha), Xuân Thắng (40 ha), Xuân Châu (5,5 ha). Ngoài ra có sỏi, cát xây dựng ở một số điểm ven sông Chu, sét có ở các xã đồng bằng.

Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh. Khu vực phía Tây Thọ Xuân gần Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47 có điều kiện cảnh quan sinh thái phát triển một số khu du lịch sinh thái, thể thao, giải trí gắn với đồi núi, hồ nước. Nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn thuận lợi cho phát triển du lịch, tham gia vào các tour du lịch chủ yếu trong tỉnh và khu vực Nam Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ.

Di tích lịch sử Lam Kinh

Trên địa bàn huyện có tới hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Đền thờ Lê Hoàn); 38 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng. Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng hơn 20 lễ hội được duy trì hàng năm (Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Lam Kinh,...). với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, Ca Trù, bánh gai Tứ Trụ…một số di tích có sức hấp dẫn khách du lịch như Đền thờ Lê Hoàn, Lăng mộ Vua Lê Dụ Tông,…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 15,2% ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, rõ nét nhất là nông nghiệp từ 24,2% giảm xuống 18,5%; công nghiệp - xây dựng từ 33,5 tăng lên 39,9%. Cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng; Tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 2,6%/năm. Sản lượng lương thực vượt về năng xuất, sản lượng bình quân đạt trên 121 nghìn tấn.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (Thọ Trường, Xuân Thành, Xuân Minh, Thọ Xương, ...), phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả hàng hóa (Thọ Xương, Bắc Lương, Xuân Thành, Xuân Lam, ...) và các loại cây xuất khẩu. Đến nay có 56 trang trại được cấp phép chiếm 37,9% giá trị nông nghiệp.

Đến nay, huyện Thọ Xuân đã thu hút và triển khai nhiều dự án lớn tại khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, như: dự án Sân bay Thọ Xuân; đường giao thông nối với Khu kinh tế Nghi Sơn, quốc lộc 47; Khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao tại khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; các dự án may mặc, giày da đang được triển khai thực hiện sẽ tạo cú hích trong phát triển kinh tế -xã hội của huyện trong những năm tới.

Tính đến nay, toàn huyện có 235 doanh nghiệp hoạt động, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư đã tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế huyện Thọ Xuân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tăng giá trị sản xuất công - nông nghiệp.

Huyện đã tạo điều kiện về cơ chế, thủ tục để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, trang trại, các loại hình dịch vụ. Triển khai các chương trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt: đô thị Lam Sơn - Sao Vàng đến năm 2030 thành đô thị loại 2; mở rộng thị trấn Thọ Xuân; đô thị Xuân Lai; mở rộng cảng hàng không Thọ Xuân; đường nối quốc lộ 47 đi đường Hồ Chí Minh; đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghị Sơn; dự án nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng; các dự án tại thị trấn Thọ Xuân: khu dân cư mới thị trấn Thọ Xuân; đường Cầu Kè - Thọ Xuân; đoạn Hạnh Phúc đi thị trấn Thọ Xuân; trạm xử lý nước sạch; chợ đầu mối; khu công nghiệp thị trấn Thọ Xuân.

Kết quả năm 2019 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện thực hiện 459 tỷ169 triệu đồng, đạt 128,2% dự toán huyện giao và đạt 235% so với dự toán tỉnh giao và bằng 120% so với cùng kỳ.

Đồng chí Lê Đình Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân

Phát biểu khai mạc hội nghị triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, Nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Hải nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối thực hiện mục tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 và cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp vì vậy để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ngay từ đầu năm các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện, các cơ quan đơn vị trong huyện cần tập trung nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện quyết liệt, sáng tạo, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2020 mà Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đã đề ra.

Bạn đang đọc bài viết Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa những thế mạnh để phát triển kinh tế tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương