Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đang được thực hiện theo Nghị định 129/2013/NĐ-CP; còn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được thực hiện theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn hiện nay thấp hơn so với mức phạt tiền của các hành vi cùng lĩnh vực tương tự như hải quan; phí, lệ phí; kế toán… Ví dụ, hành vi không nộp hồ sơ đăng ký (thuế, phí, lệ phí, giá) trong lĩnh vực thuế chỉ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng, trong khi lĩnh vực phí và lệ phí bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng, còn lĩnh vực giá thì bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Tương tự, tổ chức, cá nhân có hành vi khai sai, khai không đầy đủ hồ sơ trong lĩnh vực thuế chỉ bị phạt từ 400.000 đồng đến 3 triệu đồng, trong khi vi phạm trong lĩnh vực hải quan bị phạt từ 500.000 đồng đến 40 triệu đồng; lĩnh vực phí, lệ phí và giá bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, còn lĩnh vực kế toán bị phạt thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất đến 30 triệu đồng. Hay như hành vi vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai giá bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng, trong khi chậm nộp hóa đơn chỉ bị phạt cao nhất là 4 triệu đồng và thấp nhất là 2 triệu đồng.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính thuế, hóa đơn có thể coi là khá thấp. Mức phạt này được ban hành từ năm 2013, đến nay đã lạc hậu, cần phải tăng lên. Hơn nữa, theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì hành vi vi phạm hải quan, thủ tục thuế có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, gấp nhiều lần mức khung phạt tối đa theo Nghị định 129/2013/NĐ-CP là từ 400.000 đồng đến 10 triệu đồng.
Mức xử phạt vi phạm thấp có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hành chính thuế mỗi năm một gia tăng, thưa ông?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật hành chính thuế, hóa đơn mỗi năm một tăng là mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe và chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế, người sử dụng hóa đơn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế.
Theo thống kê, năm 2018, cơ quan thuế phát hiện khoảng 192.200 vụ vi phạm hành chính thuế, gấp 5,5 lần năm 2014. Tương tự, mức xử phạt trong lĩnh vực hóa đơn không chỉ thấp, mà còn bất hợp lý, nên tình trạng vi phạm hành chính về hóa đơn mỗi năm một tăng. Năm 2018, cơ quan thuế phát hiện được trên 45.500 vụ, gấp 4,3 lần năm 2014.
Đó có phải là lý do cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn?
Trong bối cảnh ngành thuế triển khai kê khai thuế qua mạng với số lượng doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng đã đạt gần như tuyệt đối (trên 99%); thủ tục hành chính thuế được cải cách giảm từ 420 giờ xuống còn 117 giờ/năm, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế, thì cần quy định tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế như hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế, hành vi khai không đủ hoặc khai sai trên hồ sơ khai thuế… để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.
Riêng đối với xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, hiện tại ngành thuế đang đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực thay thế dần hóa đơn giấy truyền thống, nên các quy định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP không còn phù hợp, cần phải có quy định mới. Để thuận tiện trong việc xử lý vi phạm, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng một nghị định thay thế cho 2 nghị định hiện hành.
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019, cơ quan thanh tra, kiểm toán có quyền thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp và ra kết luận về những vi phạm, sai phạm, nhưng 2 cơ quan này không có quyền xử phạt vi phạm hành chính thuế đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ quan thuế cũng không có quyền xử phạt vi phạm hành chính vì không trực tiếp thanh tra, kiểm tra, thì xử phạt doanh nghiệp vi phạm bị thanh tra, kiểm toán phát hiện kiểu gì, thưa ông?
Theo quy định, trường hợp kiểm toán, thanh tra trực tiếp kiểm toán người nộp thuế theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước thì kiểm toán, thanh tra gửi biên bản hoặc báo cáo kiểm toán cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận. Người nộp thuế chấp nhận thực hiện kiến nghị, kết luận, tức là họ đã vi phạm hành chính thuế. Khi đó, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp đến để xử phạt vi phạm hành chính thuế.
Từ trước đến nay, mỗi khi kiểm toán, thanh tra có kết luận, kiến nghị liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp như khai sai, khai thiếu, khai chưa đúng, dẫn đến làm giảm số thuế phải nộp, làm tăng số thuế được hoàn, được khấu trừ, bao giờ 2 cơ quan này cũng gửi biên bản kết luận, kiến nghị đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, thậm chí gửi cho Tổng cục Thuế để chỉ đạo cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp để phối hợp xử lý kết luận, kiến nghị.