Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Làm gì để sức mua bật tăng

TDVN 09:04 13/12/2021

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, mùa mua sắm cuối năm nay người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu gắn với nhu cầu sử dụng hằng ngày.

Vì vậy doanh nghiệp cần nắm bắt hành vi tiêu dùng mới cũng như dự đoán khả năng chi trả của người mua để điều chỉnh sao cho phù hợp nhằm thu hút người tiêu dùng.

Người dân thắt chặt chi tiêu

Thông thường, dịp cuối năm, sức mua sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh đẩy mạnh cung hàng hóa. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh khiến thu nhập của người dân bị giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao nên phần lớn người dân thắt chặt chi tiêu. Bởi vậy, dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.

Trọn năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành phức tạp và kéo dài gây tác động tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ khiến cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, phần lớn thu nhập của người dân đều giảm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) dự báo, sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại các chợ truyền thống ở TP HCM, dù đã mở cửa từ giữa tháng 10/2021, nhưng gần hai tháng qua, không khí mua sắm vẫn trầm lắng. Tại các chợ truyền thống ở những quận như Bình Thạnh, Quận 10, Quận 3 (TP HCM) lượng người đến mua sắm giảm mạnh, khác hẳn thời điểm trước dịch.

Số liệu thống kê cho hay, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III/2021 giảm mạnh, còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (giảm 300.000 đồng); trong khi quý II/2020, đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tương tự, tại Hà Nội, tâm lý người dân vẫn khá dè dặt. Chị Nguyễn Thu Phương, chủ một siêu thị mi ni ở phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời điểm này vào các năm trước, siêu thị cũng đã lên kế hoạch nhập hàng cho dịp cuối năm.

Song năm nay do lượng hàng tại kho còn nhiều, sức mua của người dân rất thấp, người dân chỉ mua hàng thiết yếu là chính nên hiện tại siêu thị vẫn chỉ nhập những hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng đơn giản.

Dịch bệnh đã tác động mạnh đến thu nhập của người dân. Hầu hết người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế việc mua sắm, nhất là các hàng hóa, vật dụng không thiết yếu.

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, 90% gia đình Việt có thu nhập bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Chưa kể, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, chi phí sản xuất tăng cao. Vì vậy, các DN cũng đang rất cẩn trọng trong việc xem xét, dự báo nhu cầu và đưa ra một kế hoạch sản xuất hợp lý.

Cụ thể, WinCommerce cho biết, sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

“Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu… phục vụ cho việc đón Tết”, WinCommerce dự báo.

Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hoá cho Tết Nhâm Dần 2022, WinCommerce cho biết đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực.

Cũng đưa ra dự báo rằng, sức mua thị trường Tết sẽ giảm khoảng 10 - 20% so với năm trước. Trong khi một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20 - 30%, một DN thực phẩm cho biết, bài toán về chuẩn bị nguồn hàng Tết được DN cân nhắc rất kỹ lưỡng, theo đó sẽ giảm lượng cung ứng đáng kể so với Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2021.

Bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ dự báo, sức mua Tết Nhâm Dần 2022 thậm chí sẽ giảm nhẹ. Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu.

“Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu,… phục vụ việc đón Tết. DN đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9/2021 và tháng 10/2021, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực. Lượng hàng hoá hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40% - 50% so với lượng bán bình quân”, bà Hợp nhận định.

Trong khi đó, đại diện của MM Mega Market Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết 2022, hệ thống này lên kế hoạch dự trữ cho những mặt hàng thiết yếu tăng từ 70 -100% so với những tháng bình thường và tăng 20-30 % so với dịp Tết 2021.

Để đáp ứng nhu cầu người dùng, MM Mega Market tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như: Rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống…

Tuy vậy, ngay cả khi dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn, chắc chắn nhu cầu mua sắm của người dân sẽ được khởi động trở lại, và các kênh thương mại điện tử chính là nơi “thỏa mãn” nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đây là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp đón đầu xu hướng từ cả hai nhóm người tiêu dùng mua sắm để “bù đắp” lại thời gian dài chững vì dịch cũng như thói quen.

Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội luôn có thách thức. Để đón kịp nhu cầu người tiêu dùng, cả doanh nghiệp bán lẻ lẫn thương mại điện tử cần có chiến lược và định hướng rõ ràng cho thời gian tới.

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long.

Ổn định nguồn cung

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện các địa phương cũng đang triển khai xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, chỉ đạo DN sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa thực hiện dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

“Các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ từ 20-30% so với ngày thường nên về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nói, đồng thời cho biết thêm, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước.

Bộ Công thương cũng đã tính đến phương án ứng phó trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng vào đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Đông, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân. “Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm cần thiết trước mọi cấp độ và diễn biến của dịch Covid-19”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Để bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ triển khai tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng phục vụ Tết theo các hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chỉ đạo của TP Hà Nội.

Theo đó, sở đã chỉ đạo các DN sản xuất, các làng nghề tập trung sản xuất đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm trên địa bàn thành phố; đồng thời chỉ đạo các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và đảm bảo công tác phòng chống dịch phục vụ nhân dân cũng như tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Bà Lan thông tin, Sở cũng triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn Thủ đô dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: Tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; Tổ chức các chợ hoa xuân phục vụ Tết...

Thành phố cũng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố theo những hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.

Trong số đó, thành phố tập trung giới thiệu đầu mối, nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trái cây, thực phẩm Hà Nội; Tạo điều kiện các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia các hội nghị, hoạt động giao thương trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối nguồn hàng...

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM):

Có thể thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua một chính sách tiền tệ mở rộng hoặc bằng chính sách tài khóa nới lỏng. Mở rộng tiền tệ sẽ khiến cho cung tiền tăng lên, mặt bằng lãi suất giảm xuống và điều kiện tài chính trở nên thông thoáng hơn, khiến hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn do mặt bằng giá cả đã được kéo giảm.

Chính sách này cũng giúp cho doanh nghiệp, bộ phận sản xuất có điều kiện kinh tế thông thoáng hơn để đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá kích thích chi tiêu.

Cách thứ hai là kích thích tiêu dùng thông qua một chính sách tài khoá nới lỏng, cụ thể là giảm thuế, điều này khiến cho thu nhập khả dụng của người dân tăng lên trong khi chi phí giá thành của doanh nghiệp giảm xuống. Điều này cũng sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực lên các quyết định chi tiêu và mua sắm của người tiêu dùng.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương):

Cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu các mặt hàng thiết yếu; không tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, cần điều hành tốt giá một số mặt hàng như sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản.

Ngoài ra, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.

Để kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thể giới. Từ đó, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh.

Điều này để có các biện pháp cân đối cung-cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh. Cùng đó, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.

Theo Đại Đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/lam-gi-de-suc-mua-bat-tang-5674984.html

Bạn đang đọc bài viết Làm gì để sức mua bật tăng tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương