Hà Nội, Chủ nhật Ngày 15/09/2024

Một ngày săn cá “khủng” trên lòng hồ Hòa Bình

TDVN 16:40 11/04/2020

Với chiều dài 230 km cùng dung tích 9,5 tỷ m³ nước, hồ Hòa Bình trở thành nơi sinh trưởng lí tưởng cho nhiều loại thủy sản, giúp bà con người Mường vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi cá lồng.

--Mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ Hòa Bình đã giúp nhiều bà con vươn lên làm giàu

Hồ Hòa Bình được hình thành sau khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ có chiều dài hơn 230 km, trải rộng trên địa bàn các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và TP Hòa Bình. Hồ có nhiều loài cá quý hiếm như: chiên, bỗng, lăng, dầm xanh, anh vũ và nhiều loại thủy sản quý khác.

Anh Phạm Văn Thịnh – Giám đốc công ty Cường Thịnh chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng sông Đà, ý tưởng phát triển nghề nuôi cá đã nung nấu từ lâu trong tôi khi nhận thấy lòng hồ là môi trường nước rất sạch và có nhiều nguồn thức ăn tự nhiên. Với mong muốn có thể phát triển, nhân rộng các loại cá chất lượng cũng như để đông đảo người dân biết đến và tiếp xúc được với nguồn cá chất lượng cao, tôi đã bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi trồng các giống cá tại hồ Hòa Bình”.

Khu nuôi cá lồng của công ty Cường Thịnh trên lòng hồ sông Đà

“Từ chỗ chưa có chút kiến thức nào về cá, cách chăm sóc cá, điều kiện tự nhiên về vùng hồ, tôi đã tự tìm hiểu, học hỏi từ sách vở, từ bà con và các chuyên gia trong ngành. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay tôi đã xây dựng được thương hiệu “cá sông Đà” - “Cường Thịnh fish” với quy mô 160 lồng tại vùng lòng hồ Sông Đà”, anh Thịnh nói thêm.

Chị Bùi Thị Lưu, người chăm sóc các lồng cá tại Cường Thịnh fish cho biết: “Trung bình mỗi lồng cá sẽ thả 4 -5000 cá giống, sau ba tháng sẽ tách đàn sang bè khác với số lượng 1000 con/ lồng. Thức ăn của cá chủ yếu là cỏ và hỗn hợp cám được chế biến từ cá tép phơi khô nghiền nhỏ nên chất lượng thịt cá rất thơm ngon và săn chắc. Do lượng nước ở lòng hồ rất sạch, lại tuần hoàn tự nhiên nên cứ 8 – 10 ngày mới phải khử trùng hệ thống lưới trong lồng bằng vòi xịt hoặc vôi. Sau 3 năm, cá có thể đạt trọng lượng 10 – 15 kg đối với cá trắm đen, 5 – 10 kg đối với cá lăng”.

--Chị Bùi Thị Lưu, người 6 năm nay chăm sóc cá lồng trên hồ Hòa Bình đang ngâm lưới vào vôi để khử trùng, vệ sinh cho lồng cá.

Với phương châm “Lấy chữ tâm phục vụ, lấy chữ tín để tiến lên” bằng khát vọng của người dẫn đường, cùng sự cải tiến không ngừng của doanh nghiệp, đến nay Cường Thịnh fish đang khai thác 150 lồng cá tiêu chuẩn VIETGAP ở vùng thượng lưu sông Đà Hòa Bình, trong đó có các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá dầm xanh, cá ngạch, trắm đen,... và các loại cá thương phẩm như cá rô phi, diêu hồng, cá chép…

Tại Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019, sản phẩm cá Lăng sông Đà fillet và cá Rô phi sông Đà fillet của Cường Thịnh fish đã vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, đây cũng là dấu mốc quan trọng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của công ty qua 7 năm trưởng thành và phát triển.

Cá trắm đen "khủng" được khách hàng săn đón tại khu nuôi cá lồng của công ty Cường Thịnh

Anh Thịnh nhấn mạnh, chiến lược sắp tới của Cường Thịnh fish đó là: “Muốn đưa cá sông Đà trở thành sản phẩm xuất khẩu ngang tầm cá tra và cá basa trong thời gian gần nhất, đẩy thương hiệu cá sông Đà lên tầm cao mới”, việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đánh dấu một bước tiến mới của Cường Thịnh fish trong mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, đem đến nguồn thủy sản tươi sạch, chất lượng đến người tiêu dùng. Bản ghi nhớ kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với Bộ Công Thương là thành tựu đưa cá sông Đà trở thành thương hiệu số 1 Việt Nam của Cường Thịnh fish trong năm 2019 này.

Một số hoạt động thường ngày tại mô hình nuôi cá lồng của Cường Thịnh fish trên lòng hồ Hòa Bình:

--Cứ 8 - 10 ngày hệ thống lồng cá sẽ được khử trùng bằng vòi xịt hoặc vôi bột để đảm bảo vệ sinh, giúp đàn cá tăng trưởng tốt

--

--Anh Nguyễn Văn Hưng (Kim Bôi, Hòa Bình) đang kiểm tra đàn cá chép 2 năm tuổi chuẩn bị xuất bán.

--Cứ 5h chiều hằng ngày nhân công ở đây sẽ cho cá ăn hỗn hợp cám được chế biến từ cá tép phơi khô nghiền nhỏ, đây là loại thức ăn vô cùng dinh dưỡng, đem lại chất lượng thịt ngon và săn chắc nhất cho đàn cá.

--

--Những người đàn ông trên khu lồng nuôi cá đang tranh thủ sửa chữa hệ thống lồng bè.

--Đàn cá diêu hồng 2000 con được 1 năm tuổi, sau khoảng 3 năm khi đạt trọng lượng 3 - 4 kg sẽ được xuất bán xuống thị trường Hà Nội, Hải Dương, Nam Định...

--Khung vó khổng lồ dùng để đánh bắt cá tép tự nhiên vào buổi đêm, nguồn thức ăn sẵn có đầy dinh dưỡng cho số cá nuôi trong lồng.

An Dân (TH)/DTVN/SHTT

Bạn đang đọc bài viết Một ngày săn cá “khủng” trên lòng hồ Hòa Bình tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương