Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Việt Nam hành động để phục hồi xanh, tăng trưởng bền vững sau đại dịch Covid-19

kinh tế môi trường 17:24 05/08/2021

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững hơn thời kỳ

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn có tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Việt Nam đang ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Chính những thuận lợi và khó khăn trên là nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội tăng cường khả năng tự phục hồi của nền kinh tế.

Trước đó, tại phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng thực hiện phục hồi xanh sau Covid-19.

Phục hồi xanh, tăng trưởng bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh: Doanh nghiệp và Hội nhập)

Cụ thể:

Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, để không có sự đảo lộn gây hiệu ứng “sốc”.

Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ.

Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công và Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam. Những thách thức nghiêm trọng ở những nơi này đang rất cần sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là trong việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.

Thứ năm, để phục hồi, trở lại tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng sự hợp tác quốc tế hiệu quả là không thể thiếu được; như chia sẻ sự mất mát về tinh thần và vật chất; chia sẻ về công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine; tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác đi lại, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các quốc gia, nhất là không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, các quốc gia cần nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, có lợi cho việc phục hồi kinh tế và hợp tác quốc tế.

Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định chủ trương xuyên suốt trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà phải hi sinh môi trường sống của người dân.

Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều điểm mới, phù hợp với tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước. Trong đó nhấn mạnh, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn bó hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT mới đây đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Theo đó, Dự thảo quy định về trách nhiệm kiểm kê hoạt động phát thải và thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp; phát triển thị trường carbon trong nước; kiểm soát việc xuất nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone và chất gây hiệu ứng nhà kính.

Riêng đối với lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Dự thảo đưa ra lộ trình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Nghị định chưa phải bỏ chi phí thực hiện giảm nhẹ khí nhà kính. Nhưng đến giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-hanh-dong-de-phuc-hoi-xanh-tang-truong-ben-vung-sau-dai-dich-covid-19-58005.html

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hành động để phục hồi xanh, tăng trưởng bền vững sau đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương