Phát biểu tại Diễn đàn ngân hàng 2023 với chủ đề "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" sáng 10/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà. |
“Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hà chia sẻ.
Theo Phó thống đốc, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các mục tiêu ưu tiên khác nhau về chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn. Đơn cử, năm 2022, khi USD lập đỉnh trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước phải ưu tiên xử lý vấn đề tỷ giá trước, sau đó là xử ý vấn đề thanh khoản rồi mới đến câu chuyện lãi suất. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm dần, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đã ổn định, đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
Phó thống đốc khẳng định, mong muốn về giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá… tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng.
Dự báo về lãi suất trong thời gian tới, TS Cấn Văn Lực, cho hay “Việc Fed tăng lãi suất vừa qua có thể là lần cuối và từ đầu năm tới lãi suất của Mỹ có thể sẽ đảo chiều. Trong khi đó, ngân hàng trung ương ở các nước Châu Á có thể sẽ tăng lãi suất 1 lần nữa, sau đó đi ngang và giảm dần. Việt Nam đã đi trước trong việc giảm lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng mức lãi suất sẽ giảm về 4%. Đây là mức tương đương so với trước đại dịch”.
Theo ông Lực, trong thời gian tới chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ, tài chính, chuyển từ trạng thái chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ; hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, nới lỏng có trọng tâm trọng điểm. Tiếp tục chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí, đẩy nhanh hoàn thuế GTGT…
Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, cần phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ trong cung tiền, kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tiền tệ, tài chính, phát triển thị trường chứng khoán, tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính…
Theo Tài chính Doanh nghiệp