Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Báo lãi kỷ lục nhưng nợ có khả năng mất vốn tại ACB tăng 60%

tài chính doanh nghiệp 10:03 29/07/2022

Với hơn 4.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý II, nâng tổng lợi nhuận ACB thu về được sau 6 tháng đầu năm nay vượt mốc 9.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số nợ xấu của ngân hàng này tăng 7% so với cùng kỳ và nợ xấu tăng thêm tập trung toàn bộ ở nhóm nợ có khả năng mất vốn.

Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng với mức lãi trước thuế 9.028 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch cả năm và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.900 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ 2021.

Về cơ cấu thu nhập, nguồn thu chủ yếu của ngân hàng này đến từ lãi thuần. Thu nhập lãi thuần tăng 12% so cùng kỳ lên 5.606 tỷ đồng (chiếm hơn 80%), hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi hơn 993 tỷ đồng, tăng 12%, chiếm tỷ lệ 14%, lãi từ hoạt động khác ghi nhận trong kỳ đạt 356 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 21 tỷ của năm trước.

Báo lãi kỷ lục nhưng chất lượng nợ xấu tại ACB lại giảm khi nợ có khả năng mất vốn tăng 60%.

Báo lãi kỷ lục nhưng chất lượng nợ xấu tại ACB lại giảm khi nợ có khả năng mất vốn tăng 60%.

Ở các mảng kinh doanh ngoài tín dụng còn lại như ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, ACB đều ghi nhận tăng trưởng âm như kinh doanh ngoại hối giảm 37%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 59%, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đã khiến ACB phải gánh khoản lỗ gần 227 tỷ đồng.

Trong kỳ, ACB được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1,386 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng đã thu về 4.914 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 2, tăng 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng tương ứng, đạt 3.943 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB ghi nhận 13.800 tỷ thu nhập và lãi trước thuế hơn 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 6, ACB có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn trên 543.700 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là tiền gửi khách hàng đạt trên 388.100 tỷ và cho vay khách hàng đạt gần 395.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,2% và 9,3% so với đầu năm.

Theo báo cáo của ACB, đến cuối tháng 6, Công ty Chứng khoán ACBS đang có khoản cho vay giao dịch ký quỹ (margin) hơn 3.400 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm. Nếu loại trừ khoản cho vay margin này, dư nợ cho vay khách hàng của riêng ngân hàng mẹ hiện vào khoảng 392.192 tỷ.

Một điểm trừ trong hoạt động kinh doanh của ACB kỳ này là chất lượng nợ xấu giảm. Nợ xấu của ACB tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 60% so với cùng kỳ và chiếm 73% tổng nợ xấu (2.998,2 tỷ đồng). Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm mạnh nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 0,78% đầu năm xuống còn 0,76%.

Nợ xấu tăng lên khá cao, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng chung hơn 9% (khoảng 236 tỷ đồng) lên mức 2.924 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu, sau những vụ việc xảy ra trên thị trường chứng khoán từ đầu năm, ACB có thời điểm giảm hơn 20% về mức đáy 22.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến cuối phiên 28/7, cổ phiếu ACB hồi phục về mức giá 24.450 đồng/cổ phiếu.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào đầu tháng 4/2022 đã thông qua mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi đều tăng 11% so với kết quả đạt được trong năm 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng 25% lên 15.018 tỷ đồng. So với kế hoạch này, ACB đã thực hiện được được 60% sau nửa năm.

Đại hội cũng thông qua phương án phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25% và kế hoạch này phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết Báo lãi kỷ lục nhưng nợ có khả năng mất vốn tại ACB tăng 60% tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng