Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Bac A Bank: 'Bóng ma' nợ xấu đeo bám, nhọc nhằn chuyện tăng vốn

TDVN 23:37 21/04/2020

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, UPCoM: BAB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2020, ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh; nợ xấu tiếp tục tăng.

Ám ảnh nợ xấu

Theo Báo cáo tài chính quý I/2020, dù thu nhập lãi thuần Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, UPCoM: BAB) đạt gần 441 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019; hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi thuần đạt gần 9 tỷ đồng, tăng 46% nhưng lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng vẫn giảm 27%, lần lượt còn gần 179 tỷ đồng và 143 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong 6 quý của ngân hàng này kể từ quý 4/2018.

Nguồn: BCTC Ngân hàng TMCP Bắc Á

Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ có lãi thuần giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 7 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 ngân hàng không trích lập dự phòng. Chi phí hoạt động của Bac A Bank cũng tăng 16% so với quý 1/2019, chiếm gần 242 tỷ đồng.

Tính đến 31/03/2020, tổng tài sản của Bac A Bank tăng nhẹ 2% so với đầu năm chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 18%, lên mức gần 3.532 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 1%, đạt hơn 73,395 tỷ đồng.

Nợ xấu Bac A Bank tăng mạnh

Về nguồn vốn, Bac A Bank có tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá cùng tăng 8% so với đầu năm, lần lượt đạt hơn 82.476 tỷ đồng và 6.633 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 34% so với đầu năm, còn hơn 9.660 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1/2020, tổng nợ xấu của Bac A Bank tăng 16% so với đầu năm, lên mức gần 580 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 85%, chiếm gần 33 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 27%, chiếm hơn 276 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của Bac A Bank tăng từ 0,69% lên mức 0,79%.

Nhìn lại bức tranh kinh doanh Bac A Bank năm 2019, theo Báo cáo tài chính sau kiểm toán, năm 2019, Bac A Bank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.966 tỷ đồng, tăng 300 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các khoản chi phí của nhà băng này cũng ở trạng thái âm. Cụ thể, chi phí lãi và các chi phí tương tự là âm 6.969 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2018; chi phí hoạt động dịch vụ âm 34 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ là âm 19 tỷ đồng; chi phí hoạt động âm 1.103 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với năm 2018; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 154 tỷ đồng

Do đó, kết thúc năm 2019, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ, còn 1.088 tỷ đồng (trong khi năm 2018 là 1.116 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Bac A Bank đạt 749 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2018.

Dù lợi nhuận tăng nhưng nhìn vào khoản nợ của Bac A Bank có thể thấy tình trạng “sức khỏe” của nhà băng này. Tính đến 31/12/2019, nợ phải trả của Bac A Bank là 100.074 tỷ đồng, tăng hơn 10.128 tỷ đồng so với năm 2018 (89.946 tỷ đồng). Nợ phải trả chiếm 92,75% so với vốn chủ sở hữu (107.899 tỷ đồng).

Riêng nợ xấu của nhà băng này là 548 tỷ đồng, trong đó, nợ cần chú ý tăng 8 tỷ đồng, tương đương 20% lên 48 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 13 tỷ đồng, tương đương tăng 5,17% so với năm 2018 (lên tới 264 tỷ đồng); nợ nghi ngờ là 17,5 tỷ đồng, tăng 136,4% so với năm trước; nợ có khả năng mất vốn là 217 tỷ đồng, giảm 5,2% so với năm 2018.

Nhọc nhằn chuyện tăng vốn

Dù niêm yết trên sàn và có quy mô cỡ vừa song Bac A Bank không có cổ đông lớn, chưa có thương hiệu nên việc thu hút đầu tư là chuyện rất khó khăn. Nói đến việc phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn điều lệ, không phải đến bây giờ nhà băng này mới thực hiện mà năm 2018, ngân hàng này cũng từng đặt mục tiêu tăng vốn từ 5.462 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu và được đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên sau đó, vốn điều lệ quy định trên giấy phép hoạt động của Bac A Bank chỉ được nâng lên 5.500 tỷ đồng.

Đến ngày 26/12/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định về việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại giấy phép hoạt động của Bac A Bank, nâng vốn điều lệ nhà băng này từ 5.500 tỷ đồng lên 6.500 tỷ đồng.

Thực tế, Bac A Bank khó có thể huy động vốn dù lên sàn. Bởi đây là nhà băng chưa có nhiều thương hiệu khi chào sàn năm 2017. Bên cạnh đó, muốn phát triển thì thanh khoản của mã cổ phiếu ngân hàng này phải ở mức khá trở lên. Thế nhưng, thực tế, BAB chỉ hút ở những ngày đầu tiên chào sàn, còn sau đó lụi dần. Hiện thị giá mã BAB chỉ ở mức 15.300 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch 21/4), giảm 4.700 đồng/cổ phiếu so với thời điểm lên sàn.

Chưa kể, nhìn vào cơ cấu cổ đông, không cổ đông nào nắm giữ đến 5% vốn điều lệ. 8 cổ đông tổ chức chỉ nắm giữ tổng cộng 185,65 tỷ đồng vốn điều lệ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,713%; 129 thể nhân còn lại sở hữu 96,287% cổ phần (bình quân mỗi thể nhân nắm giữ khoảng 0,746% cổ phần), tương ứng 4.814,35 tỷ đồng vốn điều lệ.

Nhìn vào kết quả kiểm tra tư cách cổ đông tại đại hội cổ đông năm 2019 cho thấy chỉ có 121/143 cổ đông dự họp; 143 cổ đông của một ngân hàng đã niêm yết đại chúng là con số rất thấp.

Đáng chú ý, với cơ cấu cổ đông và tỷ lệ nắm giữ như vậy nhưng Hội đồng quản trị của ngân hàng hầu như không có nhiều thay đổi, bà Trần Thị Thoảng sở hữu tỷ lệ 3,55% liên tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT suốt gần 20 năm qua. Đồng thời, bà Thái Hương nắm 4,3% cổ phần cũng giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT kể từ khi thành lập (năm 1994) đến nay. Thế nên, Bac A Bank muốn phát hành mới rất khó vì không thể thuyết phục được nhà nhà đầu tư, nhất là thị trường chứng khoán hiện nay không tốt như đầu năm ngoái.

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/bac-a-bank-bong-ma-no-xau-deo-bam-nhoc-nhan-chuyen-tang-von-d172891.html

Bạn đang đọc bài viết Bac A Bank: 'Bóng ma' nợ xấu đeo bám, nhọc nhằn chuyện tăng vốn tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng