Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Cuộc chiến quyền lực Eximbank: Nội bộ đấu đá, kinh doanh lỗ hay lãi?

TDVN 08:48 17/06/2020

Giữa vòng xoáy tranh chấp, quý I/2020, Eximbank có nguồn thu chính từ lãi thuần cho vay tăng nhẹ 3%, dù nhiều chỉ tiêu khác giảm, giúp lợi nhuận vẫn tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2019.


Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường ngay sau khi tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020. Thời gian tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 30/6/2020.
Mục đích SMBC kiến nghị HĐQT Eximbank triệu tập phiên họp bất thường là để giải quyết một số vấn đề lớn còn tồn tại như: vấn đề tài chính 2019; việc ông Yasuhiro Saitoh từ chức khỏi các vị trí thành viên HĐQT; giảm quy mô HĐQT từ 10 người xuống còn 7 người…
Cổ đông nước ngoài này cho rằng, với cơ cấu HĐQT của Eximbank như hiện nay, Eximbank liên tục trải qua những mâu thuẫn nội bộ. Các thành viên không thể hợp tác tốt với nhau vì hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo ngân hàng Eximbank, nguyên nhân thực sự dẫn đến việc tổ chức các lần Đại hội không thành công là do các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung.
Thực tế, trong khoảng 1 năm qua, Eximbank liên tục chứng kiến sự thay đổi trong dàn lãnh đạo. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa thể được giải quyết.
Trước đó, Eximbank dự kiến tổ chức họp cổ đông bất thường vào ngày 5/3 và họp thường niên vào ngày 22/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân hàng đã thông báo dời thời gian tổ chức.
Trong năm 2019 trước đó, ngân hàng này cũng đã 2 lần tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên bất thành do không có sự đồng thuận giữa các cổ đông.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 Eximbank, trong quý này nhiều chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng nguồn thu chính từ lãi thuần cho vay (chiếm 82% tổng nguồn thu lãi) vẫn tăng nhẹ giúp cho lãi ròng tăng khá.
Tính đến 31/03/2020, tổng tài sản của Eximbank giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn gần 157,171 tỷ đồng. Cho vay khách hàng (giảm 4%) và tiền gửi khách hàng (giảm 7%) đều sụt giảm so với đầu năm, chỉ còn gần 108,870 tỷ đồng và 129,108 tỷ đồng.
Nợ xấu của Eximbank tính đến 31/03/2020 tăng 4% so với đầu năm, ghi nhận gần 2,018 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 6%) và nợ nghi ngờ (tăng 25%). Dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Ngân hàng tăng lên 1.85% so với 1.71% hồi đầu năm.
Trong kỳ, dù cho vay khách hàng giảm so với cùng kỳ 2019, nhưng nguồn thu chính là lãi thuần từ hoạt động cho vay vẫn tăng nhẹ 3%, đạt 855 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh khác đều giảm, như: Lãi từ dịch vụ giảm 5%, còn 75,4 tỷ đồng; Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 37%, còn 29 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác giảm nhẹ 3%, còn 36,4 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động cũng được tiết giảm 6,5% còn 629 tỷ đồng. Trong kỳ, Eximbank hoàn nhập trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 35 tỷ đồng góp phần giúp lợi nhuận trước thuế tăng 30%, đạt 457 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương ứng 30% so với cùng kỳ 2019, đạt 366 tỷ đồng.
Việc tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường này được quyết định sau khi nhận được kiến nghị của nhóm cổ đông lớn Eximbank là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank.
Theo Kiến thức

Link gốc : https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/cuoc-chien-quyen-luc-eximbank-noi-bo-dau-da-kinh-doanh-lo-hay-lai-1397680.html

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến quyền lực Eximbank: Nội bộ đấu đá, kinh doanh lỗ hay lãi? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng