Nếu ở AGM 2020 lần 3, có tới 94,51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nhưng 54,69% trong số đó bỏ phiếu phủ quyết thông qua quy chế Đại hội, thì AGM 2021 đã bất thành ngay từ đầu khi chỉ có 41,65% cổ phần tham dự.
Những diễn biến xảy tới trong bối cảnh Eximbank được cho đang chia thành 2 nhóm, cả về cơ cấu sở hữu lẫn trong nội bộ HĐQT.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Eximbank bất thành do chỉ có 41,65% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự (ảnh: Hiểu Minh). |
Về cổ đông, thông qua tỷ lệ phản đối AGM 2020 lần 3 và AGM 2021 vừa qua, có thể thấy chia ra 2 nhóm, một nhóm nắm khoảng 42% và một nhóm sở hữu khoảng từ 51-52%. Tuy nhiên ở trong HĐQT, nhóm nắm quá bán lại không thể hiện được sự chi phối, khi họ ủng hộ 3/9 thành viên, trong khi 6 vị trí còn lại có nhiều quyết định được cho là ảnh hưởng quyền lợi của nhóm cổ đông này.
Một trong những khác biệt là việc chương trình nghị sự của AGM 2020 lần 3 đã không bổ sung đề xuất của cổ đông chiến lược SMBC về việc thanh lọc thành viên HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm, trước khi bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới.
Liên quan tới những băn khoăn của cổ đông, PV đã có cuộc trao đổi với ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT Eximbank, và ông Lê Minh Quốc, Thành viên HĐQT (cựu Chủ tịch), để làm rõ một số vấn đề.
Chủ tịch HĐQT Eximbank Yasuhiro Saitoh và thành viên HĐQT (cựu Chủ tịch HĐQT) Lê Minh Quốc (ảnh: Hiểu Minh). |
Căn cứ theo kết quả kiểm phiếu trong phiên AGM 2020 lần 3 ngày 26/4, có thể tính toán ra có một nhóm cổ đông nắm từ 51-52% đã phủ quyết thông qua quy chế. Xuyên suốt các Đại hội từ năm 2019 đến nay, bao gồm cả AGM 2021 vừa diễn ra, nhóm này cũng đã bỏ phiếu phủ quyết không chấp nhận tổ chức. Được biết, nhóm này yêu cầu phải bổ sung đề xuất của SMBC về việc thanh lọc HĐQT hiện tại trước khi bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ tới. Vì sao HĐQT không chấp nhận đề xuất này của SMBC?
Ông Saitoh: Tôi không hiểu SMBC đang nghĩ gì. Bạn có thể thấy AGM 2020 lần 3 (tổ chức ngày 26/4 - PV) thì họ tới, còn AGM 2021 (tổ chức ngày 27/4 - PV) thì họ lại không tới. Thực tế, tôi không còn làm việc ở SMBC nữa, cho nên tôi không thể biết được chiến lược cũng như ý định của họ là gì. Và với vai trò là một ngân hàng cỡ lớn mang tính toàn cầu, tôi thực sự bất ngờ khi họ từ chối tham dự Đại hội đồng cổ đông như vậy.
Trước khi AGM 2020 lần 3 diễn ra, ngoài nhóm SMBC còn có 2 nhóm cổ đông sở hữu 10-11% đề nghị miễn nhiệm tổng cộng 8/9 Thành viên HĐQT. Việc không thoả mãn được các yêu cầu của cổ đông được cho là một nút thắt, khiến các ĐHĐCĐ không thể diễn ra. Vậy thì vì sao HĐQT không chấp thuận các đề xuất này, bổ sung vào chương trình họp?
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 3 của Eximbank tổ chức ngày 26/4 bất thành dù tỷ lệ tham dự cao đột biến nhưng có tới 54,69% cổ phần có quyền biểu quyết không đồng ý quy chế tiến hành họp (ảnh: Hiểu Minh). |
Ông Saitoh: Chúng tôi luôn tuân thủ quy định pháp luật, chúng tôi cũng luôn chấp nhận các khuyến nghị, đề xuất của cổ đông và như quý vị có thể thấy là trong chương trình nghị sự, chúng tôi đã có nội dung đó rồi. Còn chấp thuận chương trình đó hay không là quyết định của ĐHĐCĐ chứ không phải chúng tôi.
Trong chương trình nghị sự ĐHĐCĐ, HĐQT sắp xếp nội dung kiện toàn HĐQT khoá VII 2020-2025 trước khi xem xét miễn nhiệm các Thành viên HĐQT khoá VI hiện nay. Như vậy liệu có phải là quy trình ngược, vì nếu đã hoàn thành bầu ra HĐQT khoá VII thì việc miễn nhiệm là việc đương nhiên, đâu còn ý nghĩa nữa. Đó phải chăng là một lý do để nhóm cổ đông chiếm tỷ lệ 51% phủ quyết chương trình nghị sự đại hội vừa qua?
Ông Lê Minh Quốc: Nhiệm kỳ của HĐQT hiện nay đã hết rồi, thì điều chúng tôi mong muốn nhất là bầu ra HĐQT khoá mới thôi. Đó là chuyện rất là bình thường, rất tự nhiên. Còn đưa ra miễn nhiệm thì rõ ràng là cũng đưa ra rồi. Những việc này HĐQT đã thống nhất hết rồi, còn bây giờ cổ đông quyết định khác thì đó là việc của cổ đông thôi.
Việc không chấp thuận bổ sung đề nghị của các cổ đông lớn có tuân thủ Điều lệ và Luật Doanh nghiệp hay không?
Ông Saitoh: Chúng tôi luôn tuân thủ theo quy định pháp luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp và Luật các Tổ chức tín dụng. Các vị có thể thấy Điều lệ của chúng tôi cần phải được cập nhật, và đây cũng là nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ trong những năm vừa qua. Tuy nhiên việc các cổ đông không tham gia tổ chức ĐHĐCĐ cũng đã ảnh hưởng đến việc nay (thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ - PV).
Thưa ông Quốc, một trong những lý do mà nhóm cổ đông đối lập không ủng hộ tổ chức AGM được cho là liên quan đến Nghị quyết 231 năm 2019 do ông ký về việc huỷ hiệu lực của Nghị quyết 112 ban hành trước đó. Nhóm này khẳng định Nghị quyết 231 ký là trái quy định pháp luật. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Lê Minh Quốc: Chúng tôi làm gì cũng tuân thủ quy định pháp luật thôi. Về cơ bản, các thành viên HĐQT đã họp và ra Nghị quyết 231 huỷ Nghị quyết 112. Từ đó đến nay là 2 năm, các anh chị cũng thấy là ngân hàng hoạt động cũng được, nếu không là cũng mệt cho ngân hàng, mệt cho cổ đông và ảnh hưởng cả nền kinh tế.
Cách đây ít lâu, HĐQT Eximbank đã có 2 Nghị quyết gây tranh cãi, một là miễn nhiệm ông Saitoh và bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thông làm Chủ tịch HĐQT, và chỉ 55 phút sau, lại có Nghị quyết miễn nhiệm ông Thông, bầu lại ông Saitoh làm Chủ tịch. Điều này gây nhiều băn khoăn cho cổ đông, ông có thể giải thích rõ hơn?
Ông Lê Minh Quốc: Anh Saitoh có lý do chính đáng, có lý do cá nhân để từ chức. HĐQT sau khi thảo luận thì cũng đã chấp nhận. Rồi việc bầu anh Thông làm Chủ tịch là tại vì theo Điều lệ thì chủ toạ cuộc họp HĐQT phải là Chủ tịch, cho nên mới có việc bầu Chủ tịch tạm thời để giữ chức chủ toạ cuộc họp để mọi chuyện đều đúng theo quy định. HĐQT sau đó đã thảo luận rất nhiều và cuối cùng cũng thuyết phục anh Saitoh ở lại làm vì thời gian tới ĐHĐCĐ cũng chỉ còn rất ngắn. Anh Saitoh phải hi sinh lắm mới ngồi cái ghế đó. Anh Saitoh sẽ ngồi ghế này cho tới khi bầu được HĐQT mới.
Chủ tịch Yasuhiro Saitoh đại diện cho ai?
Ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki (trước đó là ông Naoki Nishizawa) được SMBC đề cử tham gia HĐQT và đại diện cho phần vốn của tập đoàn Nhật Bản tại Eximbank trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, từ ngày 9/12/2019, ông Moriwaki không còn là người đại diện theo uỷ quyền của SMBC và sau đó cũng rút khỏi HĐQT Eximbank.
Trước đó nửa năm, SMBC ngày 17/5/2019 đã có văn bản gửi HĐQT Eximbank thông báo: "từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC".
"Xuất phát từ bản chất của mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh, trong bất kỳ trường hợp nào, SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động hoặc bỏ sót không hành động nào của ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại EIB", văn bản nêu rõ.
Sau khi loại cả ông Yasuhiro Saitoh và Moriwaki, SMBC không còn người đại diện cho phần vốn 15%, và đã nhiều lần yêu cầu bổ sung nội dung miễn nhiệm ông Saitoh khỏi HĐQT Eximbank trong các cuộc ĐHĐCĐ. Đây cũng là nội dung được SMBC đề nghị bổ sung vào chương trình nghị sự của AGM 2020 lần 3 vừa diễn ra, bên cạnh thanh lọc HĐQT, dù vậy đã không được HĐQT hiện tại chấp thuận.