Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Đạm Ninh Bình chìm ngập trong thua lỗ: Ngân hàng nào 'đứng ngồi không yên'?

Theo DTVN/SHTT 16:23 13/03/2020

Đạm Ninh Bình gặp khó, ngân hàng nào “sốt ruột”?

Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định các giải pháp tín dụng đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho các dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bấc và DAP số 2 Lào Cai theo hướng kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng tối đa thành 30 năm. Trước đó, Vinachem chỉ đề nghị 20 năm.

Ngoài kéo dài thời hạn vay, Vinachem cũng đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định cho các khoản vay của 3 dự án nêu trên với VDB được hướng chế độ không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả kể từ khi phát sinh;

Vietcombank - BIDV là những ngân hàng cho đạm Ninh Bình vay với số tiền khủng

Được điều chỉnh lãi suất tiền vay theo hướng: trong 4 năm (2020 – 2024) hưởng lãi 6,9%/năm; từ năm 2025 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước (tại thời điểm hiện nay là 8,55%/năm).

Đối với các khoản vay của 3 dự án nêu trên với các ngân hàng thương mại (gồm Vietinbank, BIDV, Vietcombank), Vinachem đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định cho các dự án được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ;

Có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ cho các đơn vị, xếp nhóm nợ theo tuổi nợ tại từng tổ chức tín dụng (vận dụng phân loại nợ theo Điều 10 Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước ngày 21/1/2013), không chuyển nhóm nợ căn cứ theo kết quả sản xuất kinh doanh;

Tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng với 3 dự án nêu trên, Vinachem còn kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước đề xuất Bộ Tài chính cho phép các dự án được tiếp tục điều chỉnh giảm 50% mức trích khấu hao tài sản cố định các năm tiếp theo từ 2020 – 2025 để tháo gỡ khó khăn.

Chỉ tính riêng thời điểm tháng 2/2014 BIDV và Đạm Ninh Bình đã ký Hợp đồng tín dụng ngắn hạn hạn mức năm 2014 với tổng giá trị là 1.200 tỷ đồng và Hợp đồng tín dụng trung hạn tài trợ phương án mua sắm vật tư dự phòng (trong 2 năm) với tổng số tiền vay bằng VND tương đương 6,4 triệu USD. Với việc nâng hạn mức tín dụng ngắn hạn từ 800 tỷ đồng trước đó lên 1.200 tỷ đồng, BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn lớn nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình thời đó. Đặc biệt, khoản vay trung hạn 6,4 triệu USD đã cung cấp kịp thời vốn tài trợ phương án mua sắm vật tư dự phòng cho Nhà máy Đạm Ninh Bình. Bên cạnh đó, BIDV còn cung cấp các sản phẩm phi tín dụng để đáp ứng nhu cầu của Đạm Ninh Bình như: bảo hiểm tài sản nhà máy thông qua Tổng công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC), các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ phục vụ nhu cầu của cán bộ công nhân viên như trả lương tự động, phát hành thẻ ATM, thẻ VISA, bảo hiểm nhân thọ... Ngoài những chính sách ưu đãi đặc thù dành cho Nhà máy Đạm Ninh Bình, BIDV còn có các chương trình hỗ trợ hoạt động các đại lý, nhà phân phối sản phẩm Đạm Ninh Bình trên toàn quốc như: cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ 100% phí chuyển tiền của đại lý thanh toán cho Nhà máy Đạm Ninh Bình...

Một “ông lớn” ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho Đạm Ninh Bình vay với giá trị lớn vào năm 2014. Tháng 5/2014, Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank với Đạm Ninh Bình. Theo đó, giới hạn tín dụng được Vietcombank cấp cho Đạm Ninh Bình trị giá lên tới 800 tỷ đồng. Tại đây, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cam kết đồng hành, hỗ trợ thu xếp vốn đầy đủ, kịp thời để đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án của Đạm Ninh Bình. Ngay sau lễ ký kết, Vietcombank Chi nhánh Ninh Bình đã giải ngân khoản vay cho Đạm Ninh Bình.

Không có gốc gác nhà nước, nhưng năm 2012, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã tổ chức ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 600 tỷ đồng với Công ty Đạm Ninh Bình. Theo đó, Đạm Ninh Bình sẽ sử dụng gói tín dụng này bổ sung vốn lưu động thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất phân đạm. Trước đó, từ năm 2008, Techcombank và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Các đơn vị thành viên của Vinachem như: Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Công ty Hóa chất Lâm Thao, Ban Quản lý dự án Ure Ninh Bình… đã thường xuyên sử dụng các giải pháp tài chính của Techcombank.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã rót 667 triệu USD đầu tư dự án đạm Ninh Bình, nhưng đến nay sau 9 năm đưa vào vận hành, sản xuất, nhà máy rơi vào cảnh thua lỗ trầm trọng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỉ đồng, thua lỗ gần 5.000 tỷ đồng.

Được đầu tư xây dựng năm 2008, tuy nhiên, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà máy này đã thua lỗ 75 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2013-2018 Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Tổng lỗ lũy kế từ năm 2012 đến đầu năm 2016 đã trên 2.000 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của nhà máy tính đến 31-12-2018 hơn 4.900 tỉ đồng. Với con số lỗ lũy kế như vậy, Nhà máy Đạm Ninh Bình bị xếp vào 1 trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương.
Tại thời điểm quyết định đầu tư dự án đạm Ninh Bình, giá đạm urê khoảng 450-500 USD/tấn, trong khi giá than lại thấp. Nhưng khi giá đạm urê giảm mạnh, chỉ còn khoảng 300 USD/tấn, giá than nguyên liệu lại tăng gấp 3 lần trước đây. Điều này phần nào giải thích cho sự thiếu hiệu quả của dự án.Trao đổi về những khó khăn của Nhà máy, ông Lê Ngọc Quang, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem) thừa nhận thực trạng: "Từ tháng 10-2012, Nhà máy đạm Ninh Bình đã đưa vào hoạt động, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho hơn 920 người lao động. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn đang thua lỗ nên chưa thể trả được lãi gốc cho ngân hàng theo kế hoạch".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm nên để Đạm Ninh Bình phá sản, bởi vì sản phẩm của nhà máy này không có tính cạnh tranh cao, trong bối cảnh hội nhập hiện nay lại càng không thể cạnh tranh được.

Cứ DNNN thua lỗ lại giải cứu chỉ vì họ làm ăn yếu kém, không có tính toán thì không ổn”, bà Lan nói.

Quả thực, nhìn lại thảm cảnh của Đạm Ninh Bình, có thể thấy nhiều rủi ro có thể báo trước từ khi Vinachem quyết định đầu tư dự án. Nhiều bộ, ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, hồ sơ dự án chưa đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong và sau khi đầu tư nhà máy. Nhưng Vinachem làm ngơ và tiếp tục phê duyệt đầu tư, dẫn đến Nhà máy đạm Ninh Bình vận hành, sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định với tình hình tài chính hiện nay, trong 3 năm tới Nhà máy đạm Ninh Bình không có khả năng tự chi trả các khoản nợ đến hạn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng chia sẻ với báo chí rằng, không nên giải cứu nhà máy Đạm Ninh Bình mà hãy để cho nhà máy này phá sản. Nếu giải cứu, thì nhà nước giải cứu những doanh nghiệp tư nhân lớn, làm ăn đàng hoàng đang gặp khó khăn còn hơn giải cứu cho những DNNN làm ăn thiếu tính toán, gây lỗ lớn như thế này.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn, không nên tạo ra tiền lệ phải trả nợ cho các doanh nghiệp, dự án làm ăn thua lỗ. "Những người đã gây ra thất thoát cho dự án này phải có phương án trả nợ", ông Doanh khuyến nghị.

Trong báo cáo kết luận kiểm toán được gửi tới Thủ tướng, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đối với những tồn tại, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy đạm Ninh Bình; chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.

Đến lúc này có lẽ các ngân hàng cũng đang đứng ngồi không yên vì khoản vay của mình đang ngày một trở nên khó đòi hơn bao giờ hết. Trách nhiệm của hàng loạt lãnh đạo các nhà băng này sẽ như thế nào vào thời điểm cho Đạm Ninh Bình vay khi mà nợ xấu ngày một gia tăng?

Bạn đang đọc bài viết Đạm Ninh Bình chìm ngập trong thua lỗ: Ngân hàng nào 'đứng ngồi không yên'? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng