Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vừa đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỉ USD).
Tên gọi đầy đủ của doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) đăng ký ngành nghề chính là bất động sản. Trụ sở của doanh nghiệp ở ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Theo hồ sơ mà Cục Quản lý đăng kí kinh doanh đang nắm giữ, người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Trần Gia Phong (SN 1979). Doanh nghiệp này ngoài ông Trần Gia Phong (góp 30% cổ phần, tương đương 43.200 tỷ đồng) thì hai cổ đông còn lại là bà Kim Thị Phương (góp 30% cổ phần) và ông Nguyễn Hoàn Sơn (góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng).
Hiện tại, không ai có thể biết tại sao 3 cổ đông sáng lập của công ty USC Interco lại quyết định mức vốn điều lệ khổng lồ như vậy? Bởi lẽ, số vốn điều lệ công ty USC đăng ký ngang tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại.
Trụ sở công ty có số vốn đăng ký hàng trăm nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Zing.vn) |
Theo luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. Luật nghiêm cấm kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Căn cứ vào Điều 112 (Luật Doanh Nghiệp 2014) quy định về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp: "Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua".
Luật sư Thu Anh nói: "Điều này được hiểu là thời gian tối đa để 3 cổ đông của công ty USC Interco góp đủ số vốn 144.000 tỷ là 3 tháng. Sau thời hạn trên, các cổ đông này không góp đủ vốn thì phải giải trình lý do và làm thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ. Nếu công ty không tiến hành đăng kí điều chỉnh vốn điều lệ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, điều 28, nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, việc đăng kí vốn điều lệ ở mức cao sẽ mang đến cho công ty USC Interco những ưu điểm nhất định.
Cụ thể là, thứ nhất, vốn điều lệ cao là một trong những căn cứ để định mức huy động vốn của ngân hàng, được hiểu nôm na là vốn điều lệ cao thì số vốn mà ngân hàng cho vay cũng sẽ cao tương ứng, trừ một vài trường hợp ngoại lệ.
Thứ hai, vốn điều lệ cao sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, thực hiện dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Thứ ba, vốn điều lệ cao cũng là một trong những tiêu chí đánh giá quy mô, độ tin cậy của các đối tác và chủ đầu tư khác đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, việc đăng kí vốn điều lệ cao còn đảm bảo tính ổn định của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển.
Cũng theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải, với số vốn điều lệ quá cao thì các cổ đông của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC cũng sẽ gặp phải những rủi ro, khó khăn ngay từ những bước đầu chập chững sau khi chào đời.
Ngoài việc phải đóng lệ phí môn bài cao do vốn điều lệ khủng, công ty USC Interco còn mang trong mình một bất lợi không nhỏ là cơ quan thuế sẽ loại trừ chi phí lãi các khoản vay của doanh nghiệp nếu khoản vay được ký kết khi doanh nghiệp chưa sử dụng hết nguồn vốn góp, tức là chi phí lãi vay bị loại trừ khi chưa sử dụng hết nguồn vốn 144.000 tỷ đồng.
"Tóm lại, việc đăng kí vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng vừa đặt ra những thuận lợi, vừa đặt ra những rủi ro mà 3 cổ đông sáng lập của công ty USC Interco sẽ phải đối diện", chuyên gia Hải nhận định.
Theo Gia đình và Xã hội